5 vùng nổi tiếng về trà ở Trung Quốc

Nhắc đến văn hóa thưởng trà, người ta thường nghĩ đến Nhật Bản. Tuy nhiên, ít người biết rằng Trung Quốc là nơi sản lượng chè lớn nhất thế giới cùng nghệ thuật uống trà từng được lịch sử xa xưa ghi nhận… 

Có thể nói, thưởng trà là bộ môn nghệ thuật lâu đời nhất của Trung Hoa, gắn liền với sự hình thành và phát triển của quốc gia này. Trung Quốc là quốc gia sản xuất trà lớn nhất trên thế giới với nhiều loại trà nổi tiếng, song do sự khác biệt về môi trường tự nhiên và địa lý, phần lớn trà được sản xuất ở phía nam. Hãy cùng Quân Trà khám phá 5 “kinh đô” trà nổi tiếng Trung Quốc ở bài viết sau đây.

Phúc Kiến

Loại trà nổi tiếng: Trà Ô long, Bạch trà (trà trắng).

Là một tỉnh ven biển, Phúc Kiến có núi đồi chiếm hơn 80% diện tích, có lịch sử sản xuất trà lâu đời, khắp nơi trong tỉnh đều trồng trà. Sản lượng xuất nhập khẩu trà của Phúc Kiến đứng đầu cả Trung Quốc. Diện tích vườn trà của tỉnh Phúc Kiến chỉ đứng thứ 5 của cả nước Trung Quốc, nhưng tổng sản lượng và số lượng các vườn trà lại đứng đầu. Năm 2021, giá trị tổng sản lượng trà của tỉnh Phúc Kiến đứng thứ 3 Trung Quốc. Tỉnh Phúc Kiến có đầy đủ các loại trà, đồng thời cũng là nơi sản sinh ra bạch trà và hồng trà.

Tỉnh Phúc Kiến cũng là nơi sản xuất bạch trà và trà ô long lớn nhất Trung Quốc, sản lượng trà xanh và trà lài cũng không ít, nhưng hoàng trà và trà đen lại không có. Ngoài ra, bạch trà là một loại trà độc đáo ở Trung Quốc và nó chỉ phân bố ở tỉnh Phúc Kiến, với Phúc Đỉnh Bạch Trà và Chính Hòa Bạch Trà là nổi tiếng nhất.

Trà Ô long thuộc dạng “thanh trà” tại Trung Quốc, có thể kết hợp với nhiều mùi hương khác nhau như mật ong, một số loài hoa đem đến hương vị thanh thoát, nhẹ nhàng, phù hợp thưởng thức vào mùa hè.

Có vô số loại trà nổi tiếng ở Phúc Kiến, chẳng hạn như Đại Hồng Bào (Vũ Di Nham Trà), Thiết Quan Âm, Vũ Di Nhục Quế, Thủy Tiên trà, Thủy Kim Quy, Vĩnh Xuân Phật Thủ… với hương vị khác nhau và dư vị vô tận, mỗi loại đều có giá trị riêng.

Chiết Giang

Loại trà nổi tiếng: Trà Long Tỉnh

Nhiều người đánh giá loại trà xanh hảo hạng nhất Trung Quốc xứng đáng thuộc về trà Long Tỉnh (龙井). Loại trà trứ danh này được trồng chủ yếu bên nhiều ngọn đồi bên Tây Hồ, nằm về phía Nam thành phố Hàng Châu. Thức uống trở thành linh hồn của nơi này, đồng hành cùng bao thăng trầm lịch sử của Hàng Châu suốt hơn 1000 năm…

Không quá khi nói, Long Tỉnh là trà Hoàng gia. Tương truyền, đây là nơi nhiều vị Hoàng đế Trung Hoa đến vùng Giang Nam vi hành, nghỉ ngơi đã mê đắm hương vị trà xanh Long Tỉnh. Tây Hồ Long Tỉnh là loại trà danh giá nhất Chiết Giang, nhiều lần được xếp vào top 10 danh trà của Trung Quốc (Đệ nhất thập đại danh trà Trung Hoa). Năm 2021, giá trị thương hiệu của nó lên tới 7,43 tỷ USD, đứng đầu danh sách các loại trà nổi tiếng của Trung Quốc. Tây Hồ Long Tỉnh đặc biệt nổi tiếng với Sư Phong Long Tỉnh, Mai Ô Long Tỉnh, Vân Thê Long Tỉnh và Hổ Bão Long Tỉnh. Ngoài Tây Hồ Long Tỉnh, Chiết Giang còn có rất nhiều loại trà xanh nổi tiếng khác: An Cát Bạch Trà, Hoàng Kim Nha, Đại Phật Long Tỉnh, Khai Hoa Long Đỉnh, Võ Dương Xuân Vũ, Lục Kiếm Trà, Kính Sơn Trà, Kim Tưởng Huệ Minh Trà, Cố Chử Tử Duẩn, Ô Ngưu Tảo…

Lá trà Long Tỉnh thượng hạng phải có màu xanh non hơi ánh vàng, mùi hương nhẹ nhàng và thoang thoảng như hoa lan.

Trong di tích Điền La Sơn hơn 6.000 năm trước, lần đầu tiên người ta phát hiện ra dấu tích của những cây chè do con người trồng, điều này cũng khẳng định tỉnh Chiết Giang là nơi cây chè được bàn tay con người trồng sớm nhất ở Trung Quốc. Tỉnh Chiết Giang nằm trong số 5 tỉnh hàng đầu Trung Quốc về diện tích trồng và sản lượng trà, là một tỉnh sản xuất trà lớn thực sự. Tỉnh Chiết Giang là vương quốc của trà xanh, chiếm 96,5% lượng trà trong tỉnh.

An Huy

Loại trà nổi tiếng: Trà xanh, Trà đen, Trà vàng (hoàng trà), Hồng Trà

Hoàng Sơn cũng là một trong những trung tâm văn hóa trà nổi tiếng Trung Hoa. Nếu như văn hóa thưởng trà Hàng Châu, Tô Châu nằm trên vùng châu thổ Trường Giang trù phú, sầm uất, Hoàng Sơn lại mang nét hùng vĩ của núi non trùng điệp.

Nơi của những truyền thuyết, giai thoại lịch sử về phát tích của các loại trà trứ danh. Theo như truyền thuyết thì Hoàng Đế đầu tiên của Trung Hoa là bạn của Thần Nông (một trong ba vị thần huyền thoại ảnh hưởng đến văn minh Trung Hoa). Khi ông lên núi Hoàng Sơn để thăm bạn, người giúp việc của Thần Nông vô tình đun sôi ấm nước uống có lẫn vài lá trà. Nên người dân mới có quan điểm trà xuất phát từ Hoàng Sơn.

Là một tỉnh sản xuất ra rất nhiều danh trà, mỗi khi nêu danh sách 10 danh trà hàng đầu, An Huy trung bình chiếm khoảng ba vị trí. Trong số đó, trong cuộc thi 10 loại trà nổi tiếng do Công ty Chè Trung Quốc tổ chức vào năm 1955, loại trà nổi tiếng An Huy chiếm tới 4 vị trí, đó là trà Hoàng Sơn Mao Phong, Lục An Qua Phiến, Thái Bình Hầu Khôi và Kỳ Môn Hồng Trà. Vì vậy, 4 loại trà nổi tiếng này còn được gọi là “Tứ đại danh trà” của An Huy xưa.

Do nằm ở nơi giao nhau giữa nam bắc, nên một phần đáng kể của tỉnh An Huy không trồng trà. Hơn 95% lượng trà trong tỉnh được sản xuất tại 5 thành phố: Tuyên Thành, Hoàng Sơn, Lục An, An Khánh, Trì Châu. Vì vậy, tổng sản lượng trà của tỉnh An Huy chỉ đứng thứ tám ở Trung Quốc nhưng tổng sản lượng xuất khẩu đứng thứ hai. Hầu hết trà ở tỉnh An Huy là trà xanh, ngoài ra, còn có một lượng nhỏ trà đen, trà vàng và hồng trà.

Trong tỉnh Anh Huy cũng có Thập đại danh trà: Hoàng Sơn Mao Phong (毛峰黄山茶), Lục An Qua Phiến, Thái Bình Hầu Khôi, Kỳ Môn Hồng Trà, Đồn Khê Lục Trà, Hoắc Sơn Hoàng Nha, Nhạc Tây Thúy Lan, Kinh Huyện Đặc Tiêm, Dũng Khê Hỏa Thanh và Đồng Thành Tiểu Hoa. Ngoài Kỳ Môn Hồng Trà (hồng trà) và Hoắc Sơn Hoàng Nha (hoàng trà) ra, còn lại đều là trà xanh.

 Hoàng Sơn Mao Phong có cánh trà dài và có màu trắng như ngà soi, ngâm hãm thấy nước trong suốt

Ngoài ra, các loại trà thơm ở tỉnh An Huy đang “bùng nổ” và các loại trà thảo mộc ở thành phố Bặc Châu đang phát triển nhanh nhất. Trong số 4 loại trà hoa cúc được dâng lên cho các Hoàng đế Trung Quốc xưa, tỉnh An Huy có 3 loại: Bặc Cúc, Trừ Cúc, Cống Cúc. Tại thành phố Hoàng Sơn cũng có nhiều nhãn hiệu trà lài.

Hồ Nam

Loại trà nổi tiếng: Trà đen, Trà vàng (hoàng trà), Trà trắng (bạch trà)

Hồ Nam nằm ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, bờ nam hồ Động Đình, cũng là vùng trồng trà nổi tiếng, tổng sản lượng trà đứng thứ 6 Trung Quốc. Các loại trà ở tỉnh Hồ Nam tương đối đa dạng, chủ yếu là lục trà, thanh trà, hồng trà và hoàng trà, đồng thời cũng là vùng sản xuất hoàng trà lớn nhất Trung Quốc.

Tại Triển lãm trà Hồ Nam năm 2019, 10 loại trà nổi tiếng hàng đầu của tỉnh Hồ Nam được vinh danh, đó là An Hóa Hắc Trà (trà đen), Thạch Môn Ngân Phong, Hoàng Kim Trà, Kiệt Than Trà, Nhạc Dương Hoàng Trà (Quân Sơn Ngân Châm –  银针 là dòng trà trắng), Đào Nguyên Hồng Trà, Nam Nhạc Vân Vụ, Cổ Trượng Mao Tiêm, Tân Hóa Hồng Trà, Quế Đông Linh Lung Trà. Nổi tiếng nhất là An Hóa Hắc Trà Quân Sơn Ngân Châm, cả hai đều từng được đứng trong danh sách 10 loại trà nổi tiếng hàng đầu của Trung Quốc (thập đại danh trà Trung Hoa).

Ngân Châm nở hoa vào tháng 6, thu hoạch trong dịp này sẽ đạt được chất lượng tốt nhất của trà. Bạn cũng chỉ nên thu hái vào sáng sớm thì mới giữ được hầu hết chất dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Không chỉ quy trình thu hái tỉ mỉ và chế biến cũng vô cùng công phu. Tất cả các giai đoạn đều được người dân thực hiện bằng tay mà không dùng đến bất cứ loại dụng cụ nào. Quân Sơn Ngân Châm là đại diện cho dòng trà trắng tại Trung Hoa.

Quân Sơn Ngân Châm có lá trà búp dài, mập, có màu xanh vàng tươi phủ lông tơ trắng mịn

Trà đóng thành bánh đặc trưng của tỉnh Hồ Nam rất được yêu thích ở các tỉnh phía Tây Bắc. Người Tây Bắc có thói quen ăn uống gọi là đun trà, trà dùng để đun trà là Phục Trà hay còn gọi là trà bánh, là một loại trà đen được sản xuất ở Nghi Dương, Hồ Nam. Đây là loại trà được lên men và ép thành hình viên gạch màu xanh, chứa một số vitamin nhất định, dễ bảo quản và thời gian sử dụng lâu dài.

Vân Nam

Loại trà nổi tiếng: Trà Phổ Nhĩ (Pu erh tea)

Năm 2021, diện tích trồng chè của tỉnh Vân Nam là 7,4 triệu mẫu (1 mẫu của Trung Quốc tương đương 667m2), đứng đầu cả nước; tổng sản lượng chè là 490.000 tấn, đứng thứ ba cả nước; với tổng giá trị là 107,1 tỷ nhân dân tệ, đứng thứ hai cả nước. Tỉnh Vân Nam từ thời cổ đại đã rất coi trọng trà và “Con đường trà mã cổ” là một bảng hiệu chữ vàng của văn hóa trà Vân Nam.

Tỉnh Vân Nam là tỉnh có nhiều cây trà cổ thụ nhất Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở tây, nam và đông nam của Vân Nam, trong đó có nhiều rừng trà nguyên sinh. Các chủng loại trà của Vân Nam rất phong phú, ngoại trừ bạch trà và hoàng trà ra, sản lượng các loại chè khác đều khá lớn.

Tây Song Bản Nạp là một vùng trồng trà rộng lớn ở phía Nam tỉnh Vân Nam. Nói về các loại trà nổi tiếng ở Vân Nam, trà Phổ Nhĩ đứng đầu! Không chỉ lọt vào danh sách 10 loại trà nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, Lão Ban Chương Phổ Nhĩ Trà còn được mệnh danh là “Mao Đài” trong các loại trà. 

Trà phổ nhĩ Lão Ban Chương được goi là“Mao Đài” trong các loại trà

Trà Phổ Nhĩ được chia thành 2 dòng trà phổ nhĩ, đó là: Phổ nhĩ sống (raw puer, 生茶 sheng cha) và phổ nhĩ chín (ripe puer, 熟茶 shou cha). Nói chung, Phổ Nhĩ được phân loại là trà đen. Tất nhiên, trà Phổ Nhĩ cũng được chia thành nhiều nhãn hiệu và chủng loại, chất lượng trà Phổ Nhĩ do các công ty khác nhau sản xuất cũng khác nhau.

Phổ Nhĩ là loại trà khác biệt gần như hoàn toàn với những Trà xanh, Hồng Trà, thậm chí cùng là Trà đen nhưng trà Phổ Nhĩ còn trải qua quá trình lên men. Càng trải qua thời gian có sự tác động của vi sinh vật có ích, chất lượng trà càng được đánh giá cao.

Tỉnh Vân Nam còn có Điền Hồng rất nổi tiếng, được biết đến là một trong ba loại hồng trà lớn ở Trung Quốc. Ngoài ra, còn có Đà Trà, Tuyết Trà, Mã Ngọc Trà, Cực Biên Ô Long Trà, Vân Long Lục Trà, Kiếm Xuyên Di Vương Trà, Nam Giản Trà… Tuy nhiên, ngoài Phổ Nhĩ và Điền Hồng ra, những loại khác ít được biết đến, đó cũng là một thiếu sót của trà Vân Nam.

5/5 - (23 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *