Trà phổ nhĩ Việt Nam khác gì trà phổ nhĩ Trung Quốc?

Như chúng ta đã biết, phổ nhĩ là một loại trà lên men của Trung Quốc có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam. Lịch sử trà kéo dài hàng ngàn năm của Vân Nam đã gây ảnh hưởng sâu sắc tới các nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam. Hãy cùng Quân trà khám phá lịch sử văn hóa trà Phổ Nhĩ của Việt Nam nhé.

“Thư nhàn hỏi lửa pha trà mới,
Thích thú tựa thông nhìn ráng sa
Chợt nghĩ về hưu vui thú ấn,
Một cần câu trúc chuyện đời qua.”
(Cao Bá Quát)

Lịch sử trà Việt

Trà (hoặc chè) Việt có lịch sử lâu đời và khá phong phú, cho đến nay đã kéo dài hơn 1000 năm. Nó gắn bó sâu sắc với truyền thống, tập quán xã hội và nền kinh tế của đất nước. Việc trồng và tiêu thụ trà đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử và sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Từ xa xưa, trà thường được sử dụng trong tầng lớp quý tộc thượng lưu ở Việt Nam do hương vị và lợi ích của nó mang lại. Theo thời gian, trà trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân và ngày nay đã trở thành đồ uống phổ biến trên cả nước.

Trà cũng đóng vai trò thiết yếu trong các nghi lễ và tập quán xã hội của người Việt, thể hiện sự hiếu khách và tôn trọng.

Trà Việt: Huyền thoại và hiện thực

Nguồn gốc của trà Việt cho tới nay vẫn chưa được xác định chính xác. Có người cho rằng, nó xuất phát từ các thương nhân Vân Nam, Trung Quốc vào thời nhà Đường (thế kỷ thứ VII – X). Từ đó trở đi, việc trồng chè ở Việt Nam đã phát triển thành những truyền thống và tập quán độc đáo gắn liền với di sản văn hóa dân gian phong phú.

Theo thư tịch cổ Việt Nam, cây chè đã có từ xa xưa dưới 2 dạng :cây chè vườn hộ gia đình vùng châu thổ Sông Hồng và cây chè rừng ở miền núi phía bắc.

Lê Quý Đôn trong sách ” Vân Đài loại ngữ ” (1773) có ghi trong mục IX, Phẩm vật như sau:

” … Cây chè đã có ở mấy ngọn núi Am Thiên, Am Giới và Am Các, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, mọc xanh um đầy rừng, thổ nhân hái lá chè đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi khô đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm tự nhiên…”

Năm 1882, các nhà thám hiểm Pháp đã khảo sát về sản xuất và buôn bán chè giữa sông Đà và sông Mê Kông ở miền núi phía Bắc Việt Nam, từ Hà Nội ngược lên cao nguyên Mộc Châu, qua Lai Châu; đến tận Ipang, vùng Xípxoongpảnnả (Vân Nam), nơi có những cây chè đại cổ thụ.
” Hàng ngày những đoàn thồ lớn 100-200 con lừa, chất đầy muối và gạo khi đi và nặng chĩu chè khi về. Ipang nổi tiếng về chất lượng chè đạt mức ngự trà cống nộp .cho Hoàng đế Trung Hoa. Loại chè cao cấp này không bán ngoài thị trường..; và ai cũng cố giấu lại một phần nhỏ, mặc dù có nguy cơ bị trừng trị nặng nề. Tôi đã trông thấy một nắm chè loại này màu trắng ngà, bao gồm những cánh chè rất nhỏ và rất xoăn. Vùng đất đai của Đèo Văn Trị ở Lai Châu, là hàng xóm láng giềng gần gũi của Ipang”.

Sau những chuyến khảo sát rừng chè cổ ở tỉnh Hà Giang Việt Nam (1923), và tây nam Trung Quốc (1926), các nhà khoa học Pháp và Hà Lan, đã viết “…những rừng chè, bao giờ cũng mọc bên bờ các con sông lớn, như sông Dương Tử, sông Tsi Kiang ở Trung Quốc, sông Hồng ở Vân Nam và Bắc Kỳ (Việt Nam), sông Mê Kông ở Vân Nam, Thái Lan và Đông Dương, sông Salouen và Irrawađi ở Vân Nam và Mianma, sông Bramapoutrơ ở Assam. “

Năm 1976, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, sau những nghiên cứu về tiến hoá của cây chè, bằng phân tích chất catésin trong chè mọc hoang dại, ở các vùng chè Tứ Xuyên, Vân Nam Trung Quốc, và các vùng chè cổ Việt Nam (Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Lạng Sơn, Nghệ An…), đã viết :

… Cây chè cổ Việt Nam, tổng hợp các catêchin đơn giản nhiều hơn cây chè Vân Nam…. Từ đó có sơ đồ tiến hoá cây chè thế giới sau đây ” Camellia → Chè Việt Nam → Chè Vân Nam lá to → Chè Trung Quốc → Chè Assam (Ấn Độ)”.

Các loại trà phổ biến ở Việt Nam

Cây chè đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt, với khu vực trồng chè chủ yếu nằm ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Theo báo cáo năm 2018 của Hiệp hội chè Việt Nam, trà đen là loại chè phổ biến nhất,  chiếm 52% tổng sản lượng chè. Trà xanh chiếm 43%. Thái Nguyên , Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm đồng là những vùng sản xuất chè xanh chủ yếu của cả nước.

Trà ô long lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ thứ XIX từ những thương nhân Trung Quốc. Ngày nay, nó được trồng ở nhiều vùng khác nhau như Lâm Đồng, Mộc Châu, Lai Châu và Hà Giang. Hầu hết, trà ô long ở Việt Nam đều được chế biến từ cây trà ô long nhập khẩu, chủ yếu là giống Đài Loan.

Bạch trà cũng là một trong những loại trà phổ biến sản xuất tại Việt Nam. Cây chè này được trồng ở các tỉnh như Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Hoàng trà là một loại trà quý ở Việt Nam và chỉ được sản xuất với số lượng ít ở tỉnh Lào Cai.

Trà phổ nhĩ là một loại trà truyền thống được trồng chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lào Cai.

Trà phổ nhĩ ở Việt Nam

Trà phổ nhĩ được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lào Cai. Những vùng này có khí hậu và điều kiện địa lý tương tự Vân Nam, Trung Quốc nên thích hợp trồng những loại chè có lá to. Cộng đồng người H’mông, Dao và Thái có lịch sử lâu đời về trồng và tiêu thụ trà phổ nhĩ như một phần tập quán văn hóa xã hội của họ.

Trà phổ nhĩ còn được sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền do có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nó có tác dụng điều trị các bệnh về tiêu hóa, huyết áp cao, thải độc và giảm cholesteron.

So sánh trà phổ nhĩ Việt Nam và trà phổ nhĩ Trung Quốc.

Trà phổ nhĩ Việt Nam và trà phổ nhĩ Trung Quốc đều được lên men từ cùng một giống trà là Camellia sinensis. Tuy nhiên, chúng lại khác nhau về hương vị, mùi thơm, phương thức sản xuất và chế biến…

Về hương vị, trà phổ nhĩ Việt Nam có vị ngọt nhẹ và êm dịu, mượt mà. Trong khi đó, trà phổ nhĩ Trung Quốc có hương vị mạnh, phức tạp và đắng hơn.

Về mùi thơm, trà phổ nhĩ Việt Nam thường có mùi hương hoa nhẹ nhàng, dễ chịu. Còn trà phổ nhĩ Trung Quốc có mùi thơm phức tạp hơn, thoảng chút hương của long não xen lẫn hương hoa và trái cây.

Về phương thức chế biến và sản xuất, trà phổ nhĩ Việt Nam thường được sản xuất bằng phương pháp truyền thống, quy mô nhỏ. Trong khi trà phổ nhĩ Trung Quốc được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp, quy mô lớn. Phổ nhĩ Việt Nam cũng có giá rẻ hơn phổ nhĩ Trung Quốc nên dễ tiếp cận hơn cho người yêu trà.

Thượng Sơn, Hà Giang: Vùng sản xuất trà phổ nhĩ nổi tiếng ở Việt Nam.

Thượng Sơn là một xã thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Khu vực này bao gồm nhiều ngọn núi và vườn chè ở độ cao 1300m – 1800m. Đây là nơi nổi tiếng về sản xuất và chế biến trà phổ nhĩ chất lượng cao từ lá trà được hái từ các cây trà cổ thụ ở vùng núi xung quanh.

Sản xuất trà phổ nhĩ ở Thượng Sơn là một quá trình là một quá trình tốn nhiều công sức, đòi hỏi kỹ năng cao và sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Những người nông dân hái lá trà bằng tay từ những cây chè có tuổi đời hơn 100 năm. Sau đó, họ xử lý mọt cách cẩn thận để giữ được hương vị và mùi thơm tự nhiên.

Việc sản xuất trà phổ nhĩ ở Thượng Sơn gắn liền với môi trường tự nhiên của vùng. Khu vực này nằm ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, có điều kiện phát triển lý tưởng cho cây chè. Đây cũng là khu vực có hệ động thực vật đa dạng và phong phú.

Trong những năm gần đây, Thượng Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách muốn tìm hiểu phương thức sản xuất trà truyền thống và thưởng thức trà phổ nhĩ chất lượng cao.

Tìm hiểu thêm về trà Phổ Nhĩ tại đây

5/5 - (23 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *