Văn hóa uống trà Hàn Quốc – trà đạo Hàn Quốc Dado

Nhắc đến Hàn Quốc, ngoài Hanbok, Kimchi hay Kpop (mà gần đây là làn sóng Black Pink đã tràn tới Việt Nam), thì trà đạo cũng là một nét văn hóa truyền thống lâu đời. Tuy không cầu kỳ hoa mỹ đến từng chi tiết như Trà Đạo Nhật Bản hoặc dân dã như văn hóa thưởng trà ở Việt nam, văn hóa trà Hàn Quốc có rất nhiều những đặc trưng độc đáo và mang đậm nét riêng. Hãy cùng Quân Trà tìm hiểu ở bài viết sau đây.

Nguồn gốc văn hóa trà Hàn Quốc

Chùa Hadong-gun được xây dựng vào năm 723 được xem là nơi khởi nguồn của những lá trà xanh trứ danh của Hàn Quốc vì những cây trà đầu tiên từ Trung Quốc mang về đều được trồng tại chùa này. Có lẽ do điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng thích hợp mà những cây trà được trồng tại đây cho hương vị ngon hơn bất cứ vùng nào khác.

Nơi đây cũng chính là nơi khai sinh các nghi lễ liên quan đến trà đạo của Hàn Quốc – Dado (다도예절). Và cho đến thời Gaoli (936-1392), trà đạo bắt đầu phát triển rầm rộ. Thưởng trà trở thành một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của các nhà quý tộc, tăng lữ cho đến dân thường. Cũng giống Nhật Bản, trà đạo ở Hàn Quốc cũng bắt nguồn từ Trung Quốc, cũng có tôn chỉ “Hòa, Kính, Kiệm, Chân”.

Đồn điền trồng trà Daehan Dawon xanh mướt mắt ở huyện Boseong thuộc tỉnh Jeollanam-do nơi diễn ra Lễ hội trà thơm Boseong hàng năm- nơi đây được coi là nơi khai sinh ra ngành chè thương mại và là nơi sản xuất chè lớn nhất Hàn quốc. 

Nguyên liệu pha trà Hàn Quốc

Nếu như người Nhật thường sử dụng bột trà xanh (matcha) thì người dân xứ Kim Chi lại dùng toàn bộ lá trà xanh (Jakseol-cha) để pha trà. Ở Hàn Quốc có đến 4 mùa trà trong năm và hương vị cũng như giá trị của lá trà phụ thuộc rất nhiều vào thời gian hái.

Trà xanh ở Hàn Quốc được làm bằng 2 phương pháp (tùy thuộc nguồn gốc lá trà và quy mô đồn điền sản xuất trà) bao gồm:

  • Deoukkumcha (trà xanh áp chảo hoặc trà rang bằng chảo): phương pháp rang trà này hoàn toàn thực hiện bằng tay trên chảo nóng, nó tốn khá nhiều công sức nên giá thành của trà rang bằng chảo sẽ cao hơn loại trà hấp bằng máy, lá trà trong quá trình rang dần chuyển màu nâu, trà xanh rang sở hữu hương thơm nồng nàn cùng vị ngon khó cưỡng đặc trưng.
  • Jeungjecha (trà xanh hấp): phương pháp hấp trà xanh cho ra loại trà có màu xanh đậm nguyên bản đi kèm vị cỏ tươi có thể tiếp thêm sinh lực cho người dùng, đồng thời công đoạn làm trà hấp nhanh gọn, đỡ tốn thời gian hơn trà xanh rang.

Ngoài ra, trà xanh ở Hàn Quốc được phân thành 4 loại theo mùa hái trà, đó là: Daejak, Jungjak, Sejak và Ujeon, trong đó Ujeon là loại trà chất lượng cao nhất.

  • Daejak được làm bằng những lá trà lớn nhất được hái sau tháng Sáu. Loại trà được sử dụng để tạo ra trà bán thương mại trong các túi trà. Loại này có hương vị đậm hơn, hơi gắt hơn so với ba loại đầu tiên và chủ yếu được những người mới uống.
  • Jungjak là phổ biến nhất trong số những người yêu thích trà. Những lá trà hái ở Jungjak lớn hơn một chút so với Sejak, và được hái sau Ipha (bắt đầu mùa hè, khoảng ngày 5 tháng 5). Việc thu hái và chế biến lá chè cũng được thực hiện tương tự. Jungjak vẫn giữ nguyên các đặc tính thường thấy ở các loại trà xanh tốt nhất của Hàn Quốc, chẳng hạn như hương thơm tươi mát và hương vị mượt mà, và có thể được pha được 2-3 lần.
  • Sejak là loại trà xanh ngon nhất tiếp theo. Được làm từ những búp trà non được hái bằng tay từng búp giữa Gogu (khoảng ngày 20 tháng 4 khi mưa xuân thường rơi) và Ipha (đầu mùa hè, khoảng ngày 5 tháng 5), trà xanh Sejak là một loại trà xanh truyền thống của Hàn Quốc với độ mịn, hương vị và mùi hương. Vì hương vị tinh tế của Ujeon không tồn tại lâu trong năm, nên Sejak phổ biến hơn.
  • Ujeon là một từ tiếng Hàn có nghĩa là trà xanh thảo mộc tốt nhất. Nghĩa đen là “trước khi mưa”, trà xanh Ujeon được tạo ra bởi những lá trà đầu tiên trong năm, được hái trước Gogu (khoảng ngày 20 tháng 4 khi mưa xuân thường rơi). Chỉ có một lượng nhỏ lá trà có sẵn và đợt đầu tiên rất hiếm và đắt. Loại trà này có thể pha lại từ bốn đến năm lần.

Ngoài trà xanh (tiếng Hàn có tên Nokcha) thì Hàn Quốc còn có các loại trà khác như Hongcha (trà đen), Balhyocha (trà bán oxy hóa), Tteokcha (trà lên men), Matcha (mạt trà – loại trà nghiền mịn thành bột từ lá trà non đã hấp chín, sấy khô), Genmaicha (trà xanh trộn với gạo lứt rang).

Trà xanh Hàn Quốc khi pha có màu nước xanh nhạt, hương thơm tươi mát và hương vị mượt mà

Trà cụ trong pha trà của người Hàn Quốc

Một bộ trà cụ (dụng cụ pha trà) cơ bản của Hàn Quốc bao gồm:

  • Khay trà
  • Ấm trà: dùng để pha trà
  • Chén trà: từ 3 tới 5 chén trà
  • Bát trà: dùng để làm nguội trà khi rót từ ấm trà, sau đó dùng để rót ra các chén trà.
  • Hũ đựng trà: làm bằng đất sét nặn sau đó tráng men trong lò đốt bằng củi
  • Thìa gỗ: có cán dài dùng để lấy trà trong hũ đựng trà.
Bộ trà cụ cơ bản thường được sử dụng trong pha trà của người Hàn Quốc

Hầu hết các trà cụ được làm bằng gốm sứ và kim loại với các kiểu dáng đơn giản nhưng tinh tế, phản ánh sự gắn kết hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Tuy nhiên, nổi bật hơn cả vẫn là những trà cụ làm bằng gốm tráng men tuyệt đẹp và có những nét đặc trưng riêng mà người Hàn Quốc gọi là phong cách gốm Hagi. Trà cụ phổ biến là gốm sứ đất nung chủ yếu tại các lò địa phương, còn gốm sứ quý như gốm sứ nhà vua có trang trí rồng là hiếm nhất. Men Celadon (men ngọc) gọi là “punchong” rất được ưa chộng ở Hàn Quốc. Dòng sản phẩm chén bát gốm tráng men ngọc này còn được xuất khẩu sang Nhật Bản gọi là “Gohan Chawan”. Chất lượng gốm sứ Hàn Quốc không căn cứ vào âm thanh gõ bát như Trung Quốc mà đánh giá theo mẫu mã đường nét, cảm xúc và màu sắc

Tùy thuộc vào từng mùa trong năm mà các nghệ nhân trà sử dụng trà cụ có kiểu dáng và chất liệu khác nhau. Trà cụ mùa hè thường là những bát kiểu Katade có miệng rộng để nước trà nóng mau nguội. Vào mùa thu và mùa đông, người ta sử dụng kiểu bát Irabo giúp giữ nhiệt nước trà lâu hơn.

Nghệ thuật pha trà trà thưởng trà của người Hàn Quốc

Người Hàn Quốc dùng nước nóng khoảng 70-80°C để pha trà, lượng trà càng nhiều thì thời gian pha trà càng ngắn. Ngoài ra, do họ cũng rất chú trọng về chất lượng nước pha trà nên những nghệ nhân trà và những người thưởng trà thường rất thích sử dụng nguồn nước thiên nhiên như nước suối, nước giếng hoặc nước mưa. Đặc biệt là nước suối trên núi vào mùa xuân để pha trà vì sẽ mang đến hương vị thơm ngon nhất. Trong dịp lễ, tiệc thưởng trà sẽ được bày kèm một ít bánh ngọt như:  매잡과 – maejapgwa (bánh hoa mơ), 다식- dasik (bánh trà được làm từ bột khoai tây, khoai lang hoặc đậu xanh), 강정 gangjeong (bánh gạo)…

Thưởng trà Hàn Quốc kèm các loại bánh ngọt truyền thống

Các bước chính như sau:

Bước 1: Người pha trà ngồi giữa bàn trà với tinh thần thoải mái, tập trung tâm ý của mình vào việc pha trà sao cho khách cảm nhận được thành ý của mình.

Bước 2: Trước khi pha trà, chủ nhà phải tráng ấm trà, chén trà bằng nước đựng trong một chiếc ấm đun sôi sủi lăn tăn, như một biểu hiện của sự may mắn.

Bước 3: Sau khi tráng các dụng cụ pha trà, người pha trà cho trà xanh vào ấm, rót một lượt nước nóng lên trà để rửa sạch bụi rồi nhanh chóng đổ đi. Việc đổ nước đầu này phải căn đúng thời gian vì nếu để lâu thì trà sẽ bị mất hương vị.

Bước 4: Sau bước rửa trà, chủ nhà đổ nước vừa đủ độ nóng vào ấm và chờ ngấm trong khoảng 2 – 3 phút, sau đó đổ vào chén tống cho nước trà đồng đều rồi mới rót vào chén quân để mời khách.

Bước 5: Để thưởng thức một chén trà Hàn Quốc theo đúng nguyên tắc, bạn cần lưu ý những điểm sau:

  • Khách phải chờ chủ nhà nâng chén trước rồi mới nâng chén của mình. Hành động này biểu trưng cho lời cảm tạ sự tiếp đón của chủ nhà.
  • Khi cầm chén trà phải quay lòng bàn tay vào trong, đưa chén lên mũi để thưởng hương trà trước. Sau đó dùng tay che miệng và chậm rãi hớp một ngụm nhỏ, nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi, đồng thời đọng lại một phần trong cổ họng, rồi nuốt nước bọt tiếp lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận vị trà.
Một lớp học dạy về văn hóa trà đạo Hàn Quốc – Dado

Một số lưu ý cho trà khách:

  • Khách khi đến thưởng trà ngồi cách xa bàn trà.
  • Chủ nhà sẽ tự tay pha trà và rót vào từng chén trà, đặt vào một khay gỗ nhỏ và lần lượt mang đến mời từng vị khách.
  • Khi chén trà của khách cạn, chủ nhà sẽ rót trà lần hai, lúc này nước trà sẽ không còn đậm vị như lần một. Trong thời gian thưởng trà, chủ nhà thường chỉ rót 2 lần trà cho khách.
  • Phong cách thường trà trước đây còn có quy tắc: chủ nhà sẽ rót trà vào chén của khách ngồi bên tay trái trước, tiếp đến sẽ rót vào chén của mình rồi mới đến chén của khách ngồi bên tay phải. Nếu thưởng trà cùng người lớn tuổi, người trẻ nên xoay mặt sang hướng khác và uống thật kín đáo.

Mặc dù nghi lễ trà đạo của Hàn Quốc đã dần bị suy thoái khi bước vào xã hội hiện đại đầy bận rộn nhưng nó vẫn là một nền văn hóa tuyệt vời và đáng tự hào. Vì vậy để có thể lưu truyền và quảng bá nét văn hoá độc đáo này chính phủ cùng người dân Hàn Quốc đã nỗ lực triển khai rất nhiều hoạt động khác nhau như mở các khoá học, các buổi tham quan, các lễ hội, các cuộc thi hằng năm,… cho tất cả các đối tượng. Không chỉ trong nước mà giờ đây mượn làn sóng Hallyu người Hàn Quốc có thể giới thiệu văn hoá trà đạo này rộng rãi trên khắp thế giới.

5/5 - (29 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *