Trà thảo mộc (herbal tea) là gì? Thành phần và công dụng các loại trà thảo mộc

Trà thảo mộc từ lâu là thức uống được yêu thích của nhiều người trung niên, lão niên, thậm chí cả ở những bạn trẻ làm việc văn phòng. Có người uống trà như là sở thích bởi hương vị của chúng nhưng ít ai để ý rằng trà thảo mộc còn có nhiều công dụng đặc biệt tốt cho sức khỏe như ngăn ngừa ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, giảm lo âu, mất ngủ. Hãy cùng Quân Trà tìm hiểu thành phần trà thảo mộc gồm những gì và những lợi ích mang lại.

Trà thảo mộc là gì?

Trà Thảo Mộc (Herbal Tea / trà thảo dược) là những thức uống sử dụng nguyên liệu từ nguồn tự nhiên như các loại lá, thân, rễ, hạt, hoa… Ví dụ một số loại nguyên liệu hay dùng như : hoa hồng, lá bạc hà khô, hương thảo, hoa cúc, cam thảo, quế… Có thể sử dụng riêng biệt từng loại hoặc kết hợp lại với nhau, hoặc kết hợp với lá trà truyền thống (cây trà Camellia sinensis) để tạo thành những hương vị mới lạ. Các nguyên liệu thường được để ở dạng tươi hoặc phơi khô. Sử dụng bằng cách pha với nước nóng hoặc đun sôi lấy nước uống. Herbal tea là 1 trong những phương thức phổ biến nhất trong ngành phối trộn trà Tea blends (trà pha trộn hay là trà hỗn hợp)

Trà thảo mộc ngày càng được ưa chuộng bởi trong trà có chứa chất chống oxy hóa, giảm đau nhức, căng thẳng và nhiều chất dinh dưỡng khác giúp cải thiện sức khỏe. Bên cạnh đó loại trà này không chứa caffeine nên mọi người có thể yên tâm sử dụng không lo mất ngủ.

Trà thảo mộc có nhiều lợi ích nổi bật đối với sức khỏe

Thành phần của trà thảo mộc

Thành phần chính của trà thảo mộc chính là lá, thân, cành, hoa, nụ, quả, hạt và rễ cây. Các thành phần trên được sử dụng tươi hoặc phơi khô, sấy ở nhiệt độ nhất định (thường là khoảng 40°C – 60°C). Một số loại được giữ nguyên hoặc thái lát, băm nhỏ tùy để phát huy hết công dụng của chúng trong từng loại trà.

Người ta sử dụng một lượng nhất định để pha trà hoặc trộn lẫn các nguyên liệu với nhau tạo nên một thức uống tổng hợp. Một số loại trà sử dụng từ 1 loại nguyên liệu chẳng hạn như: hoa cúc, táo đỏ, lá sen, hoa hồng, la hán… dùng làm nước uống hàng ngày.

Thành phần chính của trà thảo mộc bao gồm các lá, hoa, cành, nụ, hạt và rễ cây. 

Tuy nhiên, hiện nay xu hướng sử dụng các loại trà thảo mộc có nguồn gốc thiên nhiên là sự kết hợp nhiều thành phần với nhau. Những loại thảo mộc này có công dụng tương đương hoặc khác nhau tạo thành một loại nước uống giải nhiệt và kết hợp hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh.

Cách pha trà thảo mộc

Cách pha trà thảo mộc không quá phức tạp và đòi hỏi cao tuy nhiên cũng cần phải đảm bảo pha đúng cách và phù hợp.

Nhiệt độ nước thích hợp là 80°C đến 90°C để pha trà thảo mộc

Chuẩn bị: Để pha trà thảo mộc cần nước sôi từ 80°C đến 90°C để phá vỡ các kết cấu và phát tán hương vị, công dụng có trong trà. Nếu dùng nước nguội sẽ không thể hòa tan được các hợp chất trong trà và mất đi hương vị của trà thảo dược. Lượng trà thảo mộc khoảng 6 gr cho lượng nước sôi 300ml

  • Bước 1: Đun nước với nhiệt độ thích hợp là 80°C đến 90°C
  • Bước 2: Thực hiện làm nóng ấm chén bằng cách lấy nước nóng rót vào ấm và đậy kín sau đó rót hết nước ra ngoài.
  • Bước 3: Cho lượng trà 6 gr vừa đủ vào ấm 
  • Bước 4: Rót nước nóng vào ấm trà sau đó đổ đi, bước này là để đánh thức trà.
  • Bước 5: Đổ 300ml nước nóng vào ấm trà và hãm trà khoảng từ 3 đến 5 phút.
  • Bước 6: Sau khi đã thủ thời gian hãm trà bạn hãy rót trà ra để thưởng thức.

Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo bảng ghi chú (infographic) sau đây về thời gian và nhiệt độ để pha từng loại trà, để có một tách trà hoàn hảo cho bạn.

Tác dụng của trà thảo mộc

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại trà thảo mộc với nhiều tác dụng và tính năng riêng. Nhìn chung, hầu hết các loại trà này đều đem lại những công dụng chính như sau.

Hỗ trợ điều trị giảm béo, giảm mỡ

Trà thảo mộc rất giàu các loại vitamin và các loại khoáng chất song lại chứa rất ít calo. Chính vì thế, đây là một trong những thức uống tốt cho việc tiêu mỡ, giảm cân hiệu quả.

Nhiều chị em thừa cân béo phì lựa chọn các loại trà thảo mộc làm thức uống hằng ngày để giảm béo và giữ gìn vóc dáng. Không giống với các phương pháp giảm béo khác, việc uống trà thảo mộc hoàn toàn không bắt bạn phải nhịn ăn, tránh tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng đột ngột cho cơ thể.

Các chuyên gia khuyến cáo việc sử dụng trà thảo dược để giảm cân nên được kết hợp với các phương pháp luyện tập thể dục, thể thao và có một chế độ ăn hợp lý.

Phòng chống oxy hóa

Tác dụng tiếp theo không thể không kể đến đó chính là khả năng chống oxy hóa mà trà thảo mộc đem lại. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong các thành phần thảo dược tự nhiên có chứa những dưỡng chất cần thiết giúp làm giảm nguy cơ về tim mạch, ung thư, xơ vữa động mạch và ngăn ngừa quá trình hình thành, phát triển của khối u.

Nhiều chị em phụ nữ còn cảm nhận rõ rệt sự khác biệt của làn da sau một thời gian ngắn sử dụng trà thảo mộc. Bởi trong hầu hết của các loại trà này chứa rất nhiều chất chống oxy hóa giúp da trở nên căng mịn hơn. Từ đó làm chậm quá trình lão hóa da mặt cũng như trên toàn bộ cơ thể.

Ngăn ngừa vi khuẩn, virus và nấm

Một số loại thảo mộc phổ biến như: hoa cúc, kim ngân hoa, đản hoa… có tác dụng ngừa vi khuẩn, kháng virus và chống nấm hiệu quả. Các loại thảo mộc trên có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn theo cơ chế diệt khuẩn hoặc hỗ trợ quá trình miễn dịch tự nhiên của cơ thể.

Một số tác dụng khác

Trà thảo mộc được biết đến là loại nước uống tốt cho sức khỏe. Do không chứa cafein nên thích hợp sử dụng cho nhiều lứa tuổi, kể cả người già và bà bầu. Với hương vị từ những loại thảo mộc thiên nhiên nhẹ nhàng, dễ uống có tác dụng kích thích giác quan, giúp thư giãn và an thần.

Hầu hết nhiều loại trà thảo dược đều có công dụng giúp giấc ngủ ngon hơn do không chứa caffeine và hỗ trợ phòng tránh nhiều loại bệnh nan y.

Các loại trà thảo mộc phổ biến hiện nay

Trà hoa cúc (Chamomile)

Hoa cúc La Mã (Chamomile) được xem là cây thuốc lâu đời, được sử dụng rộng rãi và ghi nhận tốt nhất trên thế giới. Những bông hoa cúc khô chứa nhiều terpenoids và flavonoid góp phần vào dược tính của nó như cung cấp chất chống oxy hóa, giảm rối loạn kinh nguyệt, thư giãn, ngủ ngon, hỗ trợ bệnh về rối loạn tiêu hóa…

Hoa cúc đã được sử dụng như một dược liệu truyền thống và trà thảo dược giúp làm dịu qua hàng ngàn năm. Người Hy Lạp, La Mã và Ai Cập cổ đại đều tôn kính hoa cúc chamomile vì các đặc tính chữa bệnh của nó, và ngày nay hoa cúc vẫn được sử dụng trên khắp thế giới vì tác dụng làm dịu và bổ dưỡng. Từ tiếng Anh “chamomile” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp khamaimēlon , có nghĩa là “táo đất”, dùng để chỉ hương thơm ngọt giống táo đặc trưng của hoa cúc la mã.

Trà hoa cúc La Mã – Chamomile 

Ngày nay, hoa cúc được dùng làm trà thường được trồng ở Ấn Độ. Hoa cúc Ấn Độ có chất lượng cực kỳ cao, và đáng chú ý vì vị ngọt tự nhiên của nó. Trong khi hoa cúc thương mại được tìm thấy trong các túi trà túi lọc hoặc gói thường được làm từ bụi vỡ và các cánh hoa còn sót lại từ các nụ hoa lớn nhất, hoa cúc chất lượng cao được phân biệt bởi nụ hoa, thơm và hương vị đặc biệt.

Trà Atiso (Artichoke)

Trà Atiso là trà được làm từ nụ hoa hoặc lá của cây atiso. Atiso (tên khoa học Cynara scolymus) thuộc họ hoa hướng dương. Hoa atiso có vẻ ngoài gần giống với hoa sen, tuy nhiên hoa atiso có màu xanh đậm và hơi đỏ ở chóp hoa. Trà Atiso nổi tiếng với tác dụng thanh nhiệt, hỗ trợ thanh lọc cơ thể, tốt cho gan, ruột. Vị trà ngọt thơm dễ uống, không hề chát, lành tính và ai cũng có thể uống được. Mỗi ngày bạn không nên uống quá 1 lít trà Atiso và không được uống trà Atiso để thay hoàn toàn nước trắng. Ngoài ra sau khi uống trà Atiso liên tục nửa tháng, bạn nên nghỉ một tuần trước khi bắt đầu uống đợt tiếp theo.

Trà hoa hồng (Rose)

Hoa hồng là loại hoa chinh phục được lòng người bởi vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng. Hơn thế nữa chúng còn là nguyên liệu để tạo nên loại trà hoa hồng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Trà hoa hồng có khả năng chống oxy hóa, giảm căng thẳng, đau nhức, hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra uống trà thảo mộc này còn bổ sung các vitamin A, E giúp da đẹp hơn, hỗ trợ giảm cân, giảm đau cho chị em trong thời kỳ kinh nguyệt.

Trà làm nụ hoa hồng sấy khô, có hương thơm khá nồng nàn giúp bạn thư giãn, làm đẹp da.

Trà tầm xuân (Eglantine)

Trà tầm xuân được chiết xuất từ vỏ của hạt cây tầm xuân, nó là nguồn cung cấp vitamin C có khả năng chống viêm và chống oxy hóa. Một số còn cho rằng nó có tác dụng làm dịu cơn đau do viêm khớp nhưng cần nghiên cứu kỹ hơn. Trà tầm xuân tương đối an toàn, chỉ một số ít trường hợp có phản ứng dị ứng hoặc đau bụng khi uống trà.

Trà bạc hà (Peppermint)

Trà bạc hà là tên gọi chung của tất cả các loại đồ uống có thành phần là lá bạc hà. Đó có thể là trà được pha từ lá bạc hà tươi, trà được pha từ lá bạc hà khô hay trà được pha từ gói trà bạc hà túi lọc. tất cả các loại trà này đều có đặc điểm chung là mùi thơm và khả năng tạo cảm giác the mát đặc trưng của lá bạc hà.

Vì chúng đều được làm từ lá của cây bạc hà hay còn gọi là bạc hà Âu. loại cây có tên tiếng Anh là peppermint hoặc mint.

Trà bạc hà là loại trà thảo dược có lịch sử lâu đời. Một số tài liệu hiện nay cho thấy, nó đã được sử dụng từ khoảng 1000 năm trước vì khả năng kích thích hệ tiêu hóa, chữa cảm sốt, ngạt mũi, đau bụng, sát trùng vết thương….

Các nghiên cứu y học hiện đại lại chỉ ra rằng, lá bạc hà rất giàu chất chống oxy hóa và menthol – những chất có thể bảo vệ cơ thể tránh khỏi stress oxy hóa, tăng cường thị lực.

Trà bạc hà là loại trà thảo dược có lịch sử lâu đời và nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe

Trà gừng (Ginger)

Đây là loại trà thảo mộc khá phổ biến có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc. Trà gừng có chứa nhiều vitamin C, canxi, kẽm, axit amin rất tốt cho việc điều hòa huyết áp, ngăn ngừa loét dạ dày. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nó để tăng cảm giác thèm ăn, giảm đau do viêm khớp hoặc ngừa cảm lạnh. Một số nghiên cứu đã tìm được bằng chứng về tác dụng giảm buồn nôn, các lợi ích khác vẫn cần tìm hiểu thêm. Trà gừng được coi là an toàn, nhưng nếu đang mang thai, bạn nên tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng nó như một loại thức uống thường xuyên.

Trà hoa Atiso đỏ (Hibiscus)

Thêm một loại trà thảo mộc rất được yêu thích nữa đó là trà hoa atiso đỏ. Atiso đỏ (Hibiscus /Bụp giấm /Bụp chua) là một giống thực vật quen thuộc với người Việt Nam thường hay được sử dụng để làm thành trà uống. Trà hoa dâm bụt có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại. Loại trà này có tác dụng rất tốt cho gan và tim mạch, góp phần giảm lượng mỡ và đường huyết trong máu.

Bên cạnh đó trà hoa atiso đỏ mang đến khả năng giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể và ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư. Đây là một loại trà an toàn, bạn có thể uống một cách điều độ mà không gây hại sức khỏe.

Trà hibiscus có màu nước đỏ tươi rất đẹp mùi thơm nhẹ, vị chua chua ngọt ngọt

Trà hoa Đậu Biếc (Butterfly Pea)

Trà hoa đậu biếc làm từ hoa đậu biếc khô, có tác dụng giải nhiệt, làm đẹp da, giảm căng thẳng. Hoa đậu biếc không có hương vị nổi bật, tất cả đều rất nhẹ nhàng, nhưng điều đặc biệt của loại trà này là màu xanh rất đẹp. Trà đậu biếc thường được dùng trong pha chế, kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo nên một đồ uống hấp dẫn cả về hương vị và thị giác.

Trà tía tô đất (Lemon Balm)

Theo lưu truyền của dân gian, trà tía tô đất có tác dụng làm giảm lo lắng, mất ngủ và đã có một số bằng chứng chứng minh được điều này. Đối với tác dụng cải thiện trí nhớ cần được nghiên cứu thêm. Loại trà này có thể gây buồn nôn, đau bụng, vì vậy cần cẩn thận khi uống quá nhiều hoặc trong thời gian dài.

Trà Rooibos

Trà rooibos còn được gọi là trà đỏ được làm từ một loại cây thảo dược tên rooibos, có nguồn gốc từ Nam Phi. Đầu tiên, nó chỉ là một thức uống hàng ngày của người dân bản địa ở vùng Cederberg – Nam Phi. Sau này, khi người Hà Lan đến xâm lược vùng đất này, họ đã thử và nâng rooibos lên thành trà, thay thế cho loại trà đen Anh Quốc nhập khẩu cực đắt. Rooibos còn được gọi là hồng trà, do màu sắc nguyên bản của nó là màu đỏ. Thành phần không chứa caffeine và được cho là có tác dụng chống oxy hóa. Điểm độc đáo của loại nước hãm từ cây rooibos chính là hương vị và màu sắc hoàn toàn giống trà, nhưng lại không chứa cafein, không những không gây buồn ngủ mà còn có tác dụng an thần, chống oxi hóa, giúp nhanh lành vết thương. Dù trà rooibos đã có sẵn vị thơm của trái cây và ngọt nhẹ, song người Nam Phi vẫn thỉnh thoảng cho thêm sữa, đường hoặc mật ong.

Trà Yerba mate

Yerba mate có nguồn gốc từ Nam Mỹ có chứa thành phần caffeine, theophylline và theobromine – tương tự các chất kích thích cũng được tìm thấy trong cà phê, trà và sô cô la. Trà Yerba mate phổ biến tại các quốc gia như Argentina, Paraguay, Uruguay và Nam Brazil. Tỉ lệ tiêu thụ của Yerba mate so với cà phê tại các quốc gia này là 6/1.

Cây Yerba mate là một loài thuộc họ cây Nhựa ruồi với lá thường xanh (có lá cả bốn mùa), quả mọng nho nhỏ với những bông hoa màu trắng xanh. Lá và thân cây mềm, được hái bằng tay sau đó sấy khô trong môi trường có kiểm soát. Đôi khi chúng còn được hun trước khi bị nghiền nhỏ ra thành trà. Thậm chí, Yerba mate còn được ủ một năm trong các thùng gỗ tuyết tùng nhằm tăng thêm hương vị trước khi được bán ra thị trường. Yerba mate được ví như loại thảo mộc “từ các vị thần” nhằm nâng cao sức chịu đựng dẻo dai cho con người. Loại thảo mộc này còn được coi như lương thực của các chiến binh và bộ lạc ở Nam Mỹ sống dựa vào nên nông nghiệp du mục.

Yerba mate được dùng trong bầu với ống hút có lọc gọi là bombilla

Trà kế sữa và bồ công anh

Trà kế sữa và bồ công anh được sử dụng cho người mắc các bệnh về gan và mật. Trà bồ công anh thường không gây hại với sức khỏe, trừ với những người dị ứng với các loại cây có hoa vàng. Trà kế sữa có thành phần chính là silymarin, được các nghiên cứu chứng minh là có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm gan C.

Trà echinacea

Echinacea còn có tên gọi là coneflower, là một phương thuốc dùng điều trị cảm lạnh nhờ tác dụng tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh được lợi ích của nó. Nếu đang mang thai, bị dị ứng hoặc hen suyễn hoặc đang sử dụng thuốc thì không nên sử dụng loại trà này.

Trà xô thơm

Cây xô thơm là loại cây thuộc họ với cây bạc hà, thường được người phương Tây trồng trong vườn để vừa làm cây cảnh. Được sử dụng trong nhiều thế kỷ trong điều trị các vấn đề về dạ dày, viêm họngtrầm cảm và mất trí nhớ. Tuy nhiên, hiện nghiên cứu về lợi ích của loại thảo mộc này đối với sức khỏe vẫn còn hạn chế. Hầu hết các loại trà xô thơm an toàn khi sử dụng, trừ một số loại có chứa thujone có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Trà lạc tiên (Passion flower)

Có tác dụng làm giảm bớt lo lắng và giúp điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, bạn không nên uống loại trà này nếu đang mang thai vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt và lú lẫn. Trà lạc tiên cũng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của một số loại thuốc như pentobarbital và benzodiazepines.

Trà nghệ (Turmeric)

Được một số người sử dụng để điều trị sỏi thận và đầy hơi nhưng hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh được điều này. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy nó có tác dụng ngăn ngừa ung thư và giảm viêm, vẫn cần nghiên cứu trên người để đánh giá chính xác tác dụng của nó. Nếu đang hóa trị, bạn không nên uống trà nghệ vì có thể gây cản trở quá trình điều trị.

Trà nữ lang (Valerian)

Phụ nữ sử dụng trà nữ lang để làm giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, ngoài ra, nó còn được sử dụng trong điều trị chứng mất ngủ, lo lắng hoặc trầm cảm. Một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng an thần của trà, tuy nhiên, không nên sử dụng trong thời gian dài hoặc kết hợp với rượu hoặc thuốc an thần, tránh gây nguy hại đến sức khỏe.

5/5 - (43 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

332 thoughts on “Trà thảo mộc (herbal tea) là gì? Thành phần và công dụng các loại trà thảo mộc

  1. Arnoldemope says:

    buying prescription drugs in mexico online [url=https://mexicandeliverypharma.online/#]mexican online pharmacies prescription drugs[/url] buying from online mexican pharmacy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *