“Bảo tàng trà“ ở Đà Lạt có lẽ là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam còn lưu giữ những kỹ nghệ sản xuất và chế biến trà ở Việt Nam từ gần 100 năm trước, với những chiếc máy sấy, máy nghiền, mấy vò… của người Pháp đem đến với “Sở trà Cầu Đất”.
Đồi chè Cầu Đất
Đồi chè Cầu Đất là địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt, cách trung tâm thành phố ngàn hoa khoảng 20km. Đồi chè Cầu Đất là một một trong những điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch tại Đà Lạt. Cầu Đất Farm đã có hơn 100 năm tuổi và sở hữu diện tích lên đến 230ha, ở độ cao 1650m. Đặc biệt, nơi đây vẫn còn bảo tồn được khoảng 3ha trà cổ trồng từ ngày thành lập vùng trà Cầu Đất, những gốc trà cổ thụ gần 100 tuổi có đường kính từ 20-40cm, tán lá rộng hơn 1 mét vẫn luôn được chăm sóc chu đáo và cho thu hoạch đều đặn.
Bảo tàng trà Đà Lạt
Nhà máy trà gần 100 năm tuổi hiện nay trở thành điểm du lịch phức hợp, gồm bảo tàng, khu trưng bày nghệ thuật và quán cà phê. Bảo tàng trà Cầu Đất là công trình được thiết kế lại trên nền kiến trúc cũ của Sở trà Cầu Đất trước đây do người Pháp xây dựng từ năm 1929. Thời kỳ đó, Cầu Đất là nơi đầu tiên ở Đông Nam Á có một sở trà và nhà máy trà lớn nằm trên diện tích 1,2 ha. Xung quanh bảo tàng là những đồi trà nhấp nhô vô cùng đẹp mắt.
Công trình được thiết kế lại và tân trang trong năm 2020 và để trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn giới trẻ từ đầu năm 2021. Cuối năm ngoái, Bảo tàng trà Cầu Đất được tạp chí kiến trúc nổi tiếng Archdaily của Mỹ giới thiệu.
Trung tâm là các khu của nhà máy thời Pháp nay trở thành không gian triển lãm trà, trưng bày nghệ thuật sắp đặt và quán cà phê phục vụ du khách.
Nhà bảo tàng gồm 5 phòng với những chủ đề khác nhau như chiếc hộp lịch sử, trưng bày dụng cụ làm trà, câu chuyện về người làm trà và ngành trà thế giới.
Bước vào các không gian này du khách được tận mắt thấy những cỗ máy sản xuất trà hoạt động gần 100 năm trước trong nhà máy.
Khu vực trưng bày nghệ thuật sắp đặt có 7 bức tranh mô phỏng các công đoạn làm trà. Tranh thể hiện bằng chất liệu đặc biệt là màu vẽ lấy từ đất của đồi trà và lá trà Cầu Đất.
Treo lơ lửng trên trần là 100 khối trà hình vuông tạo nên từ 350 kg trà Cầu Đất. Tác phẩm sắp đặt nghệ thuật quy mô lớn kết hợp giữa ánh sáng và trà nhằm tạo cảm xúc cho du khách về thính giác và xúc giác.
Quán trà không gian mở hướng nhìn ra các đồi chè, nằm trong khuôn viên bảo tàng. Không chỉ khám phá không gian lịch sử, nghệ thuật, tới đây du khách trực tiếp xem nghệ nhân pha chế, thưởng thức trà mới pha và được hướng dẫn cách làm các loại trà hiện đại.
Kể từ khi khai trương, bảo tàng đón khoảng 300 lượt khách/ngày. Du khách có thể đặt tour trải nghiệm hành trình trà (tham quan bảo tàng trà và khu nông trại công nghệ cao) với giá vé 75.000 – 195.000 đồng mỗi người.
Lịch sử trồng và khai thác trà ở Việt Nam của người Pháp
Những nghiên cứu về việc trồng và khai thác trà đầu tiên của Pháp tại Việt Nam bắt đầu vào năm 1825 ở vùng sông Đà miền Bắc và sông Mekong ở miền Nam. Đến năm 1890, những đồn điền trà đầu tiên được hình thành ở tỉnh Phú Thọ, với kỹ thuật trồng, canh tác, thu hoạch lấy từ Indonesia và Sri Lanka, và nguyên vật liệu nhập từ Vương quốc Anh.
Vào những năm đầu thế kỷ 20, Liên hiệp những người trồng trà của Đông Dương (Union des Planteurs de Thé d’Indochine) được lập tại Pháp. Toàn quyền Đông Dương trong nhiều nhiệm kỳ đã nỗ lực phát triển và quảng bá trà của Việt Nam, đặc biệt ở Trung Kỳ. Cùng với Việt Nam, trà cũng được thử trồng ở đảo Réunion thuộc địa Pháp nhưng không lần nào thành công.
Sau nhiều năm nghiên cứu với những nhận định tích cực đối với trà Việt Nam cũng như điều kiện địa lý lý tưởng cho việc phát triển ngành công nghiệp trà chính quy, một trung tâm nghiên cứu nông-lâm nghiệp được xây dựng tại Phú Thọ vào năm 1918, sau đó ở Gia Lai vào năm 1927, và cuối cùng là ở Lâm Đồng vào năm 1930-1931.
Nhà máy sản xuất trà đầu tiên được cơ khí hóa xuất hiện vào năm 1923, chuyên sản xuất trà xanh, trà đen, trà sen. Trong khi trà xanh Việt Nam chỉ được người sành trà châu Âu nhận định ở chất lượng ngon dưới trà xanh Trung Hoa, thì trà đen Việt Nam cùng với trà sen rất được ưa chuộng, đặc biệt loại trà Shan (Shan tuyết) được giới nghiên cứu sành trà Pháp đánh giá đặc biệt cao.
Trong bản đồ lịch sử trà Việt của hãng trà Mariage Frères – được coi là hãng trà lâu đời nhất nước Pháp, trà Việt vẫn chưa phải là một địa điểm có sự đa dạng về trà. Mariage Frères nhận định trà Việt nổi tiếng nhất có vùng trà Đà Lạt với loại trà xanh tươi mát có thể uống cả ngày để giải mệt; ngoài ra, còn có trà Ô Long của vùng cao nguyên Pleiku với hương hoa lan dại và vị lá như mùi hương hạt dẻ, dùng để uống kèm với các bữa ăn, và cuối cùng là trà đen, hay còn gọi là hồng trà đối với người Việt, với hương vị mạnh mà khá êm cùng những nhấn nhá hương đất, có thể uống cả ngày.
Do những biến động lịch sử, xã hội tại Việt Nam liên tục những thập niên sau đó nên mức độ phát triển trà ở đây không có điểm đột phá. Nhưng từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã chú trọng phát triển hơn về trà, thậm chí ở nhiều tỉnh, trà được xem là sản phẩm nông nghiệp chủ đạo để xóa đói giảm nghèo, hòa nhập chuyển giao công nghệ và thương mại quốc tế.