Hành trình hương vị: Trải nghiệm trà ở chợ trà Thâm Quyến, Trung Quốc

Thật là thiếu sót nếu đến thăm Trung Quốc mà không thực hiện một chuyến trải nghiệm trà nơi đây. Và trải nghiệm trà ở các chợ truyền thống địa phương là điều không thể thiếu đối với những người yêu trà. Chuyến thăm quan chợ trà truyền thống Trung Quốc không chỉ là một trải nghiệm thú vị về hương vị mà bạn còn trở thành một phần truyền thống định hình lịch sử của một nền văn minh lâu đời nhất thế giới.

Hãy tưởng tượng khi bạn đang đi qua những dãy quầy hàng với hàng chục lọ, thùng, rổ chứa đầy lá trà, mỗi quầy hàng đều mang đến hương vị và câu chuyện độc đáo. Những người bán hàng rất thân thiện, luôn sẵn sàng chia sẻ và giúp bạn tìm được loại trà phù hợp nhất với sở thích của bạn.

Khi đến thăm đại đô thị Thâm Quyến với dân số lên đến 22 triệu người, chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội nếm thử trà tại một trong những chợ trà địa phương. Chúng tôi chọn khu Nam Sơn, nằm cạnh khu vực thương mại và khu công nghệ cao của thành phố. Nơi đây có bầu không khí sôi động nhưng hơi cũ kỹ của một khu phố hàng chục năm tuổi, là nơi giao thoa giữa hiện đại, truyền thống và tính chân thực trong cuộc sống của người dân địa phương.

TRẢI NGHIỆM TRÀ NHIỀU CẤP ĐỘ

Chợ trà được chúng tôi lựa chọn nằm trong một tòa nhà 3 tầng dành riêng cho trà và các mặt hàng liên quan đến trà. Tầng một ngay lối vào là nơi được nhiều người lui tới nhất. Hiện tại, một công ty sản xuất bàn ghế trà chất lượng cao đang đặt vị trí ở đó, trưng bày một bộ bàn ghế trà hết sức đẹp mắt.

Tầng hai là nơi bán buôn trà với số lượng lớn. Các gian hàng đều được trang trí rất đẹp mắt. Có những gian hàng chỉ chuyên bán một loại trà, nhưng cũng có gian hàng bày bán đủ các loại.

Tầng ba là khu vực dành riêng cho các quán trà. Hầu hết diện tích ở đây đều có phòng trà hoặc không gian trà đặc biệt để tổ chức các buổi trà đạo hoặc sự kiện về trà. Tất nhiên, bạn cũng có thể mua trà ở đó.

Điều gây ấn tượng với chúng tôi là lối trang trí độc đáo khiến cho mỗi quán trà đều trở nên nổi bật. Đó có thể là một khu vườn trúc nhỏ, đá phủ đầy rêu với một dòng suối nhỏ chảy róc rách, đem đến cho bạn một không gian yên tĩnh, thanh bình, rất thích hợp để thưởng trà.

TRẢI NGHIỆM CHÂN THỰC VỚI TRÀ PHỔ NHĨ

Sau khi dạo quanh các quầy hàng ngập tràn các sản phẩm trà lá và bánh trà lâu năm, chúng tôi bước vào một cửa hàng chuyên bán trà phổ nhĩ. Người chủ cửa hàng chào đón chúng tôi với một cốc trà nóng trên tay. Đây là công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm trà phổ nhĩ sống và chín. Ông Zhu- chủ cửa hàng chia sẻ rằng, công ty của họ được thành lập từ năm 2011 để sản xuất các loại trà chất lượng, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhằm phát triển thương hiệu riêng của họ.

Ông Zhu cho biết họ đang sử dụng lá trà từ núi Bu Lang và các vườn trà xung quanh khu vực Nghĩa Ô để làm trà. Sự lựa chọn đó kết hợp cả di sản văn hóa trà của khu vực và môi trường tự nhiên xung quanh. Đây là quê hương của người dân tộc thiểu số Bulang. Người Bulang là một trong những người đầu tiên trông cây chè trên lãnh thổ Trung Quốc, cách đây khoảng 1800 năm. Khu vực này được bao phủ bới những cây chè cổ thụ, một số cây cao trên 6 mét và có độ tuổi từ 100 – 1000 năm.

Chúng tôi đang thưởng thức một tách trà phổ nhĩ sống vùng núi Bulang năm 2020. Hương vị đậm đà nổi bật của loại trà núi Bulang là dấu ấn đặc trưng so với các khu vực khác. Đây là quê hương của những ngôi làng nổi tiếng như Lao man E và Lao Ban Zhang  với lịch sử hơn 1400 năm. Ông Zhu kể rằng cách đây khoảng 20 năm, Lao Ban Zhang chỉ là một ngôi làng yên tĩnh nằm sâu trong núi, và trà ở đó chỉ có giá khoảng 30USD/kg. “Nó có hương vị đặc biệt mạnh mẽ, ban đầu sẽ là vị đắng tràn ngập trong miệng, nhưng hậu vị lại ngọt ngào”. Hương vị đậm đà, vị đắng và hậu vị ngọt là những đặc trưng của trà vùng núi Bulang. Cùng với đó là hương hoa khác nhau tùy theo vườn trà. Ông Zhu cho biết thêm: “Những cây chè trong rừng cổ thụ phát triển tự nhiên, cùng với các loài thực vật xung quanh tương tác lẫn nhau để tạo nên toàn bộ hệ sinh thái. Chẳng hạn như có những vườn chè mọc đan xen với các cây long não, do đó, lá trà sẽ có hương thơm của long não”.

Trà phổ nhĩ sống Lao Ban E thì lại nổi tiếng với vị đắng gần như đứng đầu ở Tây Song Bản Nạp (một châu tự trị dân tộc Thái ở cực Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Vị đắng của nó còn lấn át cả trà Lao Ban Zhang, khiến nhiều người so sánh với cà phê nguyên chất. Nhưng cũng giống như các loại trà phổ nhĩ khác, vị đắng nhanh chóng được thay thế bởi hậu vị ngọt ngào đậm đà. Những dư vị đó tác động mạnh đến xúc cảm của người thưởng thức khiến họ uống một lần là không thể nào quên.

Ba điều kiện cần thiết để sản xuất trà chất lượng cao: nguyên liệu chất lượng tốt, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất tiêu chuẩn, đảm bảo môi trường lưu trữ phù hợp. Nếu thiếu một trong ba điều kiện đó thì sẽ không bao giờ sản xuất được trà ngon.

Chúng tôi rời quán trà với một món quà từ ông Zhu – một bánh trà Phổ nhĩ 2017 được làm từ nguyên liệu lá trà hái từ cây trà Vương. Đó là tên được đặt cho những cây cổ thụ đẹp nhất trong vườn trà, thường có tuổi đời rất cao. Nông dân thường thu hoạch và chế biến riêng để đạt được chất lượng tốt nhất. Mỗi vườn trà ở núi Bulang đều có ít nhất một gốc trà Vương. Người dân địa phương tin rằng đó là hiện thân linh hồn của vườn trà và họ thực hiện những nghi lễ tâm linh dưới những gốc cây đó vào các dịp cuối năm.

Chuyến đi ngày hôm nay kết thúc tại đây. Hãy cùng chúng tôi tiếp tục hành trình thăm chợ trà Thâm Quyến và nếm thử 4 loại trà lên men có tuổi đời từ 18 – 23 tuổi trong bài viết tiếp theo.

5/5 - (14 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *