Trà Phổ Nhĩ (trà Pu-erh / pu erh tea / Kim qua cống/ Nhân đầu cống) là loại trà trứ danh có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Loại trà được ví như rượu vang lâu năm, khi càng để lâu, hương vị càng tuyệt hảo. Ngoài hương vị, trà Phổ Nhĩ còn có những câu chuyện thú vị xoay quanh về lịch sử hình thành hàng ngàn năm cùng quy trình sản xuất công phu, độc đáo.
1. Trà Phổ Nhĩ là gì?
Loại trà này được sản xuất đầu tiên tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từ những lá trà cổ thụ có phẩm chất tốt, được đóng thành bánh, bảo quản lâu năm. Trong quá trình bảo quản, trà vẫn tiếp tục lên men để càng thêm đậm màu và đượm vị. Trà Phổ Nhĩ mang đến cho người dùng những trải nghiệm phong phú với sắc nước vàng nâu óng ánh, vị trà ngọt sâu, thoảng mùi gỗ thông lâu năm xen lẫn hương mộc nhĩ xào độc đáo.
Trà Phổ Nhĩ hay trà Pu-erh (pu erh tea) là loại trà trứ danh có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
2. Lịch sử ngàn năm của trà Phổ Nhĩ
Trà Phổ Nhĩ có lịch sử hình thành cách đây gần 2000 năm, từ thời Đông Hán (23-220) tại thị trấn Phổ Nhĩ thuộc vùng Vân Nam, Trung Quốc. Đến thời nhà Đường, trà Phổ Nhĩ bắt đầu được thương mại hóa và trở nên nổi tiếng trong thời nhà Minh và phổ biến rộng rãi vào triều đại nhà Thanh.
Trà Phổ Nhĩ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ mạnh mẽ các sản phẩm trà từ vùng Vân Nam đến Tây Tạng trên Trà Mã cổ đạo (con đường Trà – Ngựa). Đây là tuyến đường mòn nằm sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên, thuộc phía Tây Nam Trung Quốc. Trên tuyến đường này, các đoàn lữ hành khi xưa thực hiện việc vận chuyển, buôn bán trà từ vùng Vân Nam đến Tây Tạng và đổi lấy những con ngựa tốt.
Để trà không bị hư hỏng khi vận chuyển trên chặng đường dài, các nhà cung cấp đã “đau đầu” tìm cách bảo quản. Sau thời gian loay hoay tìm hiểu, họ đã phát hiện quá trình lên men tự nhiên giúp trà giữ được độ tươi và dần cải thiện hương vị theo thời gian. Đồng thời, họ cũng bắt đầu đóng bánh, nén thành hình để vận chuyển hiệu quả, dễ dàng hơn. Phương pháp này mang lại hiệu quả bất ngờ, khi trà không những được bảo quản tốt, mà càng trở nên đượm vị và có sự chuyển hóa mạnh mẽ, mang lại những lợi ích vượt trội cho sức khỏe.
Trà Phổ Nhĩ có lịch sử hình thành cách đây gần 2000 năm, từ thời Đông Hán (Ảnh: sưu tầm)
3. Tổng quan quy trình sản xuất trà Phổ Nhĩ
3.1 Mao trà hoặc trà thô
Trà Phổ Nhĩ được làm từ lá và búp non tuyển chọn của cây trà cổ thụ. Nguyên liệu sau khi thu hái để làm trà Phổ Nhĩ được gọi là mao trà hay trà thô. Mao trà trải qua quá trình diệt men, vò, làm khô để ngăn chặn quá trình oxy hóa và chuẩn bị cho công đoạn ủ lên men hoặc nén/đóng thành bánh.
Trà Phổ Nhĩ được làm từ mao trà – loại trà thô được thu hái, diệt men, vò và làm khô (Ảnh: sưu tầm)
3.2 Nén, đóng bánh
Mao trà được nén, đóng thành bánh để sản xuất nên trà Phổ Nhĩ sống. Đối với trà Phổ Nhĩ chín, mao trà sẽ trải qua quá trình ủ lên men bằng cách chất thành đống, dựng cọc và phủ lên trên khăn ẩm. Công đoạn này được gọi là cọc ướt. Sau đó, trà được mang đi đóng bánh, lưu trữ để tạo nên trà Phổ Nhĩ chín thành phẩm.
Trà có thể được ép thành nhiều dạng, phổ biến nhất là dạng tròn. Quy trình nén trà được thực hiện như sau: Mao trà được cân theo lượng nhất định và cho vào túi vải, sau đó để vào máy ép thủy lực. Hơi nước từ máy ép giúp lá trà khô mềm, không bị vỡ vụn và quyện chặt vào nhau thành dạng bánh.
Trà Phổ Nhĩ có thể được ép thành nhiều dạng, phổ biến nhất là dạng tròn (Ảnh: sưu tầm)
3.3 Qúa trình lưu trữ và lên men tự nhiên của trà phỗ nhĩ
Bánh trà sau khi nén được lấy ra khỏi túi vải, đặt lên kệ lưới để làm khô tự nhiên. Thời gian làm khô có thể mất vài ngày hoặc vài tuần tùy thuộc vào độ ẩm của bánh trà. Tiếp theo, từng bánh trà được bọc giấy và mang đi lưu trữ. Bánh trà được lên men tự nhiên trong suốt quá trình bảo quản tạo nên sự chuyển hóa về hương vị lẫn thành phần hóa học.
Bánh trà Phổ Nhĩ được bọc giấy, lưu trữ và để lên men tự nhiên trong nhiều năm
4. Cách phân biệt trà Phổ Nhĩ chín và sống
Sự khác biệt trước quy trình đóng bánh tạo nên 2 thức trà: trà Phổ Nhĩ sống và trà Phổ Nhĩ chín, cụ thể như sau:
Trà Phổ Nhĩ sống: Loại trà này không được ủ lên men trước khi mang đi đóng bánh. Chúng được nén và đóng bánh ngay từ mao trà thành phẩm. Bánh trà Phổ Nhĩ sống thường có hương vị dịu nhẹ, êm đầm hơn.
Trà Phổ Nhĩ Chín: Để tạo nên trà Phổ Nhĩ chín, mao trà thành phẩm phải trải qua quá trình ủ lên men từ 45 đến 60 ngày trong nhiệt độ và độ ẩm nhất định. Sau đó, trà được nén, đóng bánh và lưu trữ. Trà Phổ Nhĩ chín qua vài năm lưu trữ có vị ngọt và mùi gỗ đặc trưng.
Trà Phổ Nhĩ sống và trà Phổ Nhĩ chín có sự khác biệt về cách thức lên men trước khi đóng bánh
Trên đây là những thông tin tổng quát về lịch sử ngàn năm hình thành của bánh trà Phổ Nhĩ / Pu-erh/ Pu erh và quy trình sản xuất công phu. Tất cả tạo nên thức trà Phổ Nhĩ trứ danh của vùng Vân Nam với hương vị tuyệt hảo và những lợi ích vượt trội cho sức khỏe.