Gốm Chu Đậu – dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam

Gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là dòng gốm nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, có niên đại vào khoảng thế kỷ 13 – 14. Phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15 – 16 nhưng đến thế kỷ 17, gốm Chu Đậu gần như bị thất truyền. Đã có thời điểm công nghệ chế tác gốm, men của Chu Đậu trở thành điều bí ẩn với giới khoa học cũng như những người làm gốm. Tuy nhiên qua các nghiên cứu, khảo cổ tại thôn Chu Đậu cùng với những mẫu vật gốm cổ tìm được tại con tàu đắm Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định chắc chắn về sự hưng thịnh của Chu Đậu, tinh hoa một dòng gốm Việt Nam.

Theo các tài liệu nghiên cứu thì gốm Chu Đậu đã từng được xuất sang 32 nước trên thế giới, các hiện vật gốm Chu Đậu hiện còn lưu ở 46 bảo tàng trong và ngoài nước. Gốm Chu Đậu từng được xuất khẩu đi các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật, Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng Đông Nam Á từ thế kỷ 15. Phong cách gốm Chu Đậu đã đưa gốm sứ Việt Nam lên đến đỉnh cao vinh quang của nghệ thuật mà nhiều nước trên thế giới đến nay vẫn còn khâm phục. Lọ gốm hoa lam cổ của Chu Đậu từng được bán đấu giá với giá trúng thầu lên tới 521.000 USD. Điều đó cho thấy giá trị nghệ thuật văn hóa của gốm Chu Đậu đã được người quan tâm đón nhận như thế nào.

Lịch sử gốm Chu Đậu

Đến năm 1980, bí thư đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam là Makato Anabuki khi đến Thổ Nhĩ Kỳ đã thấy một chiếc bình gốm hoa lam ở viện bảo tàng Takapisaray có ghi dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi thị Hý bút” nên đã nhờ bí thư tỉnh ủy Hải Dương thời bấy giờ tìm kiếm nguồn gốc của chiếc bình gốm. Từ những thông tin đó, tỉnh Hải Dương đã thúc đẩy việc điền dã và khai quật được di tích Chu Đậu, phát hiện nhiều di vật của một trong tâm gốm mỹ nghệ lớn ở xã Thái Tân và Minh Tân và từ đây việc khôi phục làng nghề gốm Chu Đậu trứ danh trong quá khứ lại được bắt đầu.

Bình gốm hoa lam tại bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Niên đại 1450 (năm Đại Hòa thứ 8) của nghệ nhân Bùi Thị Hý người ở châu Nam Sách – Hải Dương

Trong khuôn viên hố khai quật rộng gần 100m vuông tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về gốm nâng niu từng chi tiết, mảnh hiện vật được phát hiện nằm sâu dưới lòng đất cả trăm năm. Gốm Chu Đậu cũng được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (Kinh đô của các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ 11 đến 18). Điều này cho thấy mối quan hệ của gốm Chủ Đậu và Hoàng thành Thăng long rất rõ ràng. Men ngọc, loại men đặc trưng của Chu Đậu, khai quật được rất nhiều. Dường như những người thợ Chu Đậu làm chủ tay nghề rất tốt và sản xuất rất giỏi. Rất nhiều sản phẩm ở đây có thể sánh ngang với sứ Long Tuyền hay đồ sứ Thanh Hoa của Trung Quốc.

Chiếc bình vẽ thiên nga tuyệt tác khai quật từ tàu Cù Lao Chàm có niên đại thế kỷ 15 (thời Lê sơ)

Những nét độc đáo của gốm Chu Đậu

Gốm Chu Đậu là dòng gốm nổi tiếng vì màu men và họa tiết thuần Việt. Có thể gọi gốm Chu Đậu là gốm đạo vì hoa văn trên sản phẩm mang đậm những giá trị nhân văn của Phật Giáo và Nho Giáo.

Gốm Chu Đậu nổi tiếng vì “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”. Từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… đều thuần Việt và đạt đến trình độ cao.

Đặc trưng men gốm Chu Đậu

Men gốm Chu Đậu có nhiều loại như men ngọc, men nâu, men trắng, men lục. Đặc biệt nhất là men trắng chàm (men trắng trong với hoa văn màu xanh) chiếm số lượng cao nhất và men tam thái (men trắng trong với hoa văn ba màu vàng, đỏ nâu và xanh lục).

Các món đồ vớt được ở ngoài khơi Ðà Nẵng – Hội An cũng đều là men trắng chàm. Do đó, khi nói về đồ gốm Chu Ðậu, người ta chỉ thường biết về loại này mà ít để ý đến các loại men khác. Loại đồ gốm Chu Ðậu hạng nhất này nhiều món đẹp tuyệt vời, bứt xa đồ nhà Minh, và đẹp không kém gì đồ gốm men lam của nhà Thanh bên Tàu.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm làng gốm Chu Đậu

Kiểu dáng hoa văn của gốm Chu Đậu

Chủ đề trên gốm Chu Đậu thường gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống của người dân đồng bằng Bắc Bộ thưở xưa: cây đa, bến nước, sân đình…

Về hình dạng thì đồ gốm Chu Đậu khá phong phú, thường thấy những sản phẩm như Bát chân cao, bát chân thấp, tô, đĩa, chén, tước, bình, ấm, âu, chậu, lu, hũ, bát hương, bát trầm, chân đèn, hộp, lọ, bình vôi, nghiên mực, có cả nghiên mực hình con trâu, con cua, rồi lại còn đồ chơi của trẻ em như các hình tượng con gà, con cóc, con lợn, người cưỡi ngựa…, từ các món đồ dùng trong nhà người dân, trong đình chùa, trong nhà giới trưởng giả, cho đến đồ xuất khẩu.

Trong những lần khai quật, thì không nên bỏ qua bình Tỳ Bà – Bình có hình dán giống cây đàn tỳ bà dựng đứng,  mình thuôn tròn, cổ nhỏ, miệng loe, thân tròn phình to, thường có bốn tầng hoa văn, trong lòng miệng bình cũng có hình vẽ hoa lá.

Tước (hay bôi) là ly uống rượu chân cao, thường có những loại tước men ngọc màu xanh trong, tước thần kim quy. Ẩn trong chân tước này là một quả nổi để lộ hình rùa thần kim quy ngồi dưới đáy, khi rượu được rót vào, thì hình thần kim quy từ từ nổi lên theo mực rượu trong lòng tước.

Đĩa gốm Chu Đậu khá đa dạng, thường thấy nhất là men trắng chàm và men tam thái với kích thước đường kình từ 25-50cm. Với những hoa văn mang đậm chất Việt như con công, con vạc, cá chép…

Nghệ thuật gốm hoa lam đặc trưng cho gốm thời Hậu Lê, trong đó nổi tiếng là đồ gốm Chu Đậu – là dấu mốc lớn thứ ba trên dòng phát triển của ngành gốm Việt Nam, sau gốm đất nung nổi tiếng thời sơ sử và gốm sành xốp thời Lý – Trần. 

Quy trình sản xuất gốm Chu Đậu hiện nay

Để sản xuất được những sản phẩm gốm Chu Đậu, không thể bỏ qua được nguyên liệu chính là đất sét Trúc Thôn – nguồn nguyên liệu đặc biệt tạo nên độ bền và vẻ đẹp riêng cho các sản phẩm.

Sau đó người nghệ nhân tiến hành đổ khuôn tạo hình, sấy khô, tiện, vẽ và đưa sản phẩm vào lò nung. Lò nung là lò than thủ công có mức nhiệt cao trên 1000 độ C. Nhờ quy trình sản xuất này mà làng gốm Chu Đậu đã cho ra đời các sản phẩm có độ tinh xảo và giá trị nghệ thuật cao.

Đổ khuôn làm gốm

Ngày nay kỹ thuật sản xuất gốm Chu Đậu đã được cải tiến khá nhiều, việc nung gốm sứ đã chuyển qua lò nung bằng gas với dây chuyền công nghệ hiện đại.

Ngoài ra kỹ thuật vẽ vàng 24k trên nền chất liệu gốm cổ đã mang lại những tác phẩm nghệ thuật giá trị cao, mang ý nghĩa phong thủy sâu sắc.

Nghệ nhân vẽ tay trên sản phẩm gốm
5/5 - (17 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

One thought on “Gốm Chu Đậu – dòng gốm cổ cao cấp nhất Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *