Người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng coi thưởng trà là một thú vui tao nhã. Trong mỗi tách trà của người Hà Nội xưa chứa đựng cả một bầu trời lễ nghi và triết lý cuộc sống được người xưa đúc kết qua ngàn năm lịch sử, hình thành nên phong cách thưởng trà mang đậm âm hưởng dân tộc. Sự cầu kỳ của nghệ thuật ướp trà, sự tỉ mỉ của nghệ thuật pha trà, sự thanh tao trong nghệ thuật thưởng trà… Tất cả phối hợp hoàn hảo với nhau để tạo nên nét văn hóa thưởng trà đặc biệt của người Hà Nội xưa.
“Người Hà Nội xưa coi uống trà là thanh cao còn uống rượu là tầm thường thôi. Trà hợp với cảnh thanh tịnh, rượu hợp với cảnh náo nhiệt. Uống trà hưởng được ba điều hay: thú thanh nhàn, thú đàm đạo và thú giao thiệp”.
Nhạc sĩ Dương Thụ
Đối tượng thưởng trà của người Hà Nội xưa thông thường là những người “sang” và “nhàn”. Chính vì vậy mà văn hóa thưởng trà người Hà Nội xưa rất tinh tế và độc đáo. Điều này được thể hiện qua quá trình chuẩn bị nguyên liệu, chuẩn bị không gian và tâm thế thưởng trà, cho đến quá trình pha chế, thưởng thức cũng mang dáng dấp thanh lịch của người Hà thành.
Nhắc đến nghệ thuật trà Hà Nội người ta sẽ hình dung ngay đến nghệ thuật tẩm ướp trà sen, là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó bông sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng là quý nhất, ướp trà ngon nhất. Ngoài ra, người Hà Nội xưa còn có những cách tẩm ướp trà với các loại hương hoa quý khác như hoa ngâu, hoa nhài, hoa sói, hoa thủy tiên, hoa cúc,…Tất cả những loại trà đó đều có những hương vị đặc trưng riêng và phù hợp với từng tâm thế khác nhau của người thưởng trà. Tuy nhiên, phải khẳng định lại một lần nữa, trà ướp hương có những cái ngon đặc biệt của nó nhưng các “chân trà nhân” đất Thăng Long xưa thì bao giờ cũng chuộng trà đơn thuần (trà mộc) hơn hết.
Trong việc chuẩn bị nguyên liệu để pha chế một ấm trà ngon ngoài nước và trà ngon, thì chúng ta không thể quên một thứ chất đốt là than hoa để đun nước pha trà.
Trà sen – đệ nhất Trà đặc sản Hà Nội
Người Hà Nội xưa chuộng cách ướp trà trong hoa sen. Mỗi cân trà, người nghệ nhân phải dùng 1.000 – 1.200 hoa sen để ướp. Mỗi cân trà sen phải dùng 2 – 3 chỉ vàng để đổi. Lá trà phải lấy từ loại trà Shan Tuyết cổ thụ vùng Hà Giang, mọc tự nhiên trên các dãy núi cao 800 – 1.300m, quanh năm sương mù bao phủ.
Búp trà sau khi sao và phơi khô sẽ được ủ trong chum (vại), bên trên phủ một lớp lá chuối khô, từ 4 – 5 năm để trà giảm độ chát, búp trà có độ xốp như giấy nhưng vẫn lưu giữ được hương thơm đặc trưng của trà.
Trà sẽ được gói thành từng túi nhỏ, thả vào trong bông sen. Khi đêm xuống, sen khép cánh lại, trà được ủ suốt cả một đêm nên quyện hương sen thơm ngát. Hoặc người nghệ nhân sử dụng hạt trắng ở đầu nhụy hoa sen, gọi là “gạo sen” để ướp trà. Cứ một lớp trà, nghệ nhân sẽ rải một lớp gạo sen, sau cùng sẽ phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp sen thường dao động từ 18 – 24 giờ.
Sau đó, nghệ nhân sẽ sàng lọc để loại bỏ gạo sen rồi đóng trà trong những chiếc túi giấy chống ẩm và sấy cho trà khô, hương trà và hương sen quyện lại. Nghệ nhân lại ướp trà với gạo sen, giai đoạn này lặp lại đến lần thứ 2, thứ 3, thứ 4 và thậm chí là thứ 5. Số lần ướp trà với sen càng nhiều trà càng thơm, hương sen càng hòa quyện nồng nàn. Chính sự cầu kỳ và tỉ mỉ và trong quá trình ướp đã tạo ra một loại trà sen được người xưa ví như “trà hoàng gia”, chỉ dành cho tầng lớp quý tộc Hà Nội xưa.
Văn hóa thưởng trà người Hà Nội xưa
Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Những công phu đó, dần trở thành lễ nghi. Trong ấm trà ngon, người ta thấy phảng phất một mùi thơ và một vị triết lý. Các trà nhân từ xưa rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ (dụng cụ pha trà) cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ, được gọi là “Ngọc diệp hồi cung”.
Trong truyện “Chén trà sương”, Nguyễn Tuân còn thi vị hóa việc đun nước pha trà, cho từng hòn than ngọn lửa một hình ảnh rất nghệ thuật:
“Những hòn than tàu cháy đều, màu đỏ ửng, có những tia lửa xanh lè vờn quanh. Không khí mỗi lúc giao động càng nâng cao thêm những lưỡi ngọn lửa xanh nhấp nhô. Hòn lửa rất ngon lành, trở nên một khối đỏ tươi và trong suốt như thỏi vàng thổi chảy”.
Trong truyện “Chén trà sương” – Nguyễn Tuân
Như vậy, riêng cung đoạn chuẩn bị nguyên liệu cho việc pha trà trong một buổi thưởng trà của các cụ sành trà Tràng An đã lắm công phu, hiểu biết và nhiều tâm huyết.
Để có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm nóng lên bằng nước sôi. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Khi châm nước lần một gọi là “cao sơn trường thuỷ” rồi chắt ngay ra. Đây là thao tác tráng trà nhằm loại hết bụi bẩn và cho trà khô kịp thấm không nổi lềnh bềnh. Lần thứ hai đổ nước vào ấm gọi là “hạ sơn nhập thuỷ” nên đổ nước cao, tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bụi trà tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai chính là nước ngon nhất được tạo ra trong vòng 1-2 phút, có hương vị đượm đà, thơm tho quyến rũ. Khi rót trà phải chuyên đều các chén sao cho nồng độ trà như nhau bằng cách kê khít miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng. Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra chén tống rồi chia đều ra các “chén quân”. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hương trà phôi pha.
Người dâng trà và người nhận đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống, đưa chén trà sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải “du sơn lâm thuỷ”. Khi uống, cầm chén trà quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén trà lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng nháp nháp từng ngụm nhỏ nhẹ. Tay áo các quan lại phong kiến thường rất rộng cũng một phần vì lẽ dùng che miệng khi uống trà là vậy. Che miệng khi ăn, uống, cười trong chèo, tuồng, trong đời sống người Việt xưa chính là một hành vi văn hoá. Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt tý nước bọt lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận.
Ngoài cách uống trà trong gia đình, người Hà Nội xưa còn có các hình thức Hội trà, uống trà thưởng hoa đầu năm, uống trà thưởng hoa quý và uống trà ngũ hương. Trong đó, hội trà là hình thức tụ họp cùng thưởng trà khi có trà ngon hay dịp đặc biệt của các cụ. Thưởng trà đầu xuân là thói quen của riêng các bậc tao nhân chốn kinh thành xưa. Thường thì trước Tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, cúc, mai trắng, thuỷ tiên ở tận vườn, chuẩn bị loại trà ngon nhất. Sáng mùng một, con cháu dành riêng cho cụ những giây phút đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa, thưởng trà, sau đó mới là cả đại gia đình cùng ngồi quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe lời dặn dò.
Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà cũng là cái thú của nhiều người Tràng An. Đó cũng là hình thức hội trà quanh chậu hoa quý vào tối hoa mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự, văn chương và dặn dò lớp con cháu.
Trà ngũ hương chỉ giới hạn cho 5 người. Khay uống trà ngũ hương phải thửa 5 chỗ trũng để 5 loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen, ngâu và úp các chén kín hoa, bưng khay để lên nồi nước sôi cho hương hoa bám vào lòng chén. Pha trà mạn ngon và rót đều vào từng chén, mỗi người tham gia sẽ phải đoán hương trà trong chén của mình và cùng nhận xét. Sau mỗi chén trà, người chủ trà lại hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức hết cái tinh tuý của hội trà ngũ hương.
Hà Nội bao nhiêu năm vẫn thế, vẫn giữ được những nét đẹp dung dị trong nghệ thuật thưởng thức trà. Ở đâu đó giữa lòng Hà Nội, người ta lại dễ dàng nhận thấy những chén trà sen thơm dịu, ấm nóng xoay tròn bên những câu chuyện. Đó dường như đã trở thành nét đẹp, nét văn hóa ngàn xưa làm say đắm bao người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành này!
Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?
priligy en france 1, 2 Consideration of genetic and clinical variables has led to the development of algorithms that account for as much as 50 of the variance in warfarin dose