Những điều cần lưu ý khi sử dụng đồ gốm sứ

Từ xa xưa đồ gốm sứ đã được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là đồ dùng nhà bếp như bát đĩa, cốc chén, nồi niêu, …Ngày nay khi đã có vô vàn vật liệu được phát minh ra nhưng đồ gốm sứ vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên của nhiều người. Vậy chúng ta cần lưu ý gì khi dùng đồ gốm sứ để ăn uống một cách an toàn, sạch sẽ và bền lâu?

Trong phạm vi bài viết này đề cập chính đến vấn đề xử lý đối với đồ gốm còn đồ sứ hoặc bán sứ (nung ở nhiệt độ cao từ 1100oC trở lên, tính thấm hút thấp) thì không nhất thiết phải xử lý do đặc tính của chúng.

1.  Xử lý đồ gốm trước khi sử dụng

Do đồ gốm (Toki, 陶器) hầu hết được làm từ đất sét và nung ở nhiệt độ không quá cao nên có tính thấm hút. Để tránh đồ dùng bị lưu mùi, lưu vết bẩn, thấm nước trong quá trình sử dụng thì khi mua về nên xử lý trước khi dùng. Có thể hiểu nôm na là bước giống như làm se khít lỗ chân lông trên da mặt!

Cách xử lý:

  • Bước 1: Đổ nước vo gạo vào nồi. Có thể thay thế nước vo gạo bằng dung dịch pha nước với bột mì hoặc bột khoai tây (片栗粉) (nồng độ tương tự như nước vo gạo) 
  • Bước 2: Cho đồ gốm (chén, bát…) vào nồi đun cho sôi bùng trong khoảng 3~5’
  • Bước 3: Tắt bếp, để nguội
  • Bước 4: Vớt đồ ra rửa sạch, phơi khô

Với nồi đất, nồi gốm:

  • Bước 1: Đổ nước vào nồi khoảng 8 phần, cho 1 muôi cơm. Hoặc thay bằng bột khoai tây (片栗粉)
  • Bước 2: Đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn trong trường hợp là đun với cơm. Nếu là bột khoai tây thì đun cho sôi bùng
  • Bước 3: Tắt bếp, để nguội
  • Bước 4: Rửa sạch nồi, phơi khô

Đơn giản hơn nữa thì ta có thể luộc đồ gốm hoặc ngâm trong nước (nước sôi hoặc nước thường) trước khi sử dụng cũng là cách để làm sạch đồ gốm trước khi sử dụng. Không nên sử dụng ngay khi mới mua về vì dù sao trong đồ gốm sứ sau sản xuất, lưu kho và vận chuyển trên và trong bề mặt gốm vẫn còn tồn dư những chất bẩn, độc hại cho sức khỏe.

2. Lưu ý trong quá trình sử dụng đồ gốm

  • Đồ gốm nói chung trong quá trình sử dụng sẽ dẫn đến biến màu trên bề mặt gốm do tính chất thấm hút của đồ gốm. Điều này rất dễ nhận ra với những đồ gốm men rạn. Đôi khi đồ gốm biến màu lại trở nên đẹp hơn. Nhưng nếu bạn không thích điều đó thì trước mỗi lần dùng hãy chịu khó xả dưới nước khoảng 5 phút hoặc rửa lại lau khô trước khi dùng sẽ làm hạn chế khả năng bám dính, thấm hút của đồ gốm.
  • Sử dụng trong lò vi sóng, lò nướng: về cơ bản đồ gốm có thể sử dụng được trong lò vi sóng hoặc lò nướng, tuy nhiên tốt nhất là chúng ta nên đọc hướng dẫn sử dụng đối với sản phẩm mua về, xem loại đó có sử dụng được trong lò vi sóng, lò nướng hay không.
  • Ngoài ra, cần lưu ý không nên dùng đồ gốm có tráng men chứa các kim loại như vàng, bạc, platinum. Cách dễ nhận biết nhất là với những đồ bắt đĩa trang trí màu sắc sặc sỡ, viền vàng, …
  • Không nên để những đồ ăn nặng mùi hoặc chất lỏng đậm màu trong đồ gốm trong thời gian dài vì mùi hoặc màu có thể thẩm thấu sang đồ gốm.
  • Không nên để đồ ăn có tính axit (ví dụ mơ muối, dưa muối, …) lên đồ gốm có tráng men chứa oxit đồng hoặc lên vị trí có hoa văn trang trí có chứa vàng, bạc sẽ dễ làm phai màu những hoa văn trang trí đó.

3.   Vệ sinh sau khi dùng

  • Sau khi dùng rửa sạch bằng nước rửa chén bát thông thường. Tránh dùng đồ cứng, sắc như cọ sắt chà xát dễ làm xước, hỏng bề mặt gốm
  • Có thể dùng baking soda, miếng bột xốp (Melamine Sponge), muối, chanh, giấm hoặc đồ tẩy rửa chuyên dùng cho bát đĩa để tẩy sạch những vết bẩn cứng đầu
  • Tránh ngâm bát đĩa cốc chén bẩn lâu trong bồn, chậu vì chất bẩn có thể thẩm thấu vào trong vật dụng, mất vệ sinh, dễ sinh nấm mốc, làm ố vật dụng.

Bảo quản đồ gốm:

  • Nếu không dùng thường xuyên thì cần làm khô vật dụng trước khi cất. Nếu để ấm dễ sinh mùi hôi, mốc. Đặc biệt trôn bát (nhất là những bát không tráng men phần này) thì nên úp ngược bát cho khô.
  • Khi xếp chồng bát đĩa thì cần lót giấy hoặc vải mềm giữa các lớp tránh làm xước bề mặt vật dụng
  • Trong trường hợp cất giữ lâu ngày nên phơi ngoài trời nắng.

4.  Xử lý khi gặp vấn đề

Xử lý vết bẩn, vết ố

  • Đồ gốm nói chung không tránh khỏi có thể biến màu hoặc có vết ố trên bề mặt sau một thời gian sử dụng. Trong trường hợp đó ta có thể dùng chất tẩy rửa chuyên dụng cho chén bát để làm sạch. Để ngăn ngừa hiện tượng này thì khi sử dụng ta cần lưu ý rửa hoặc lau trước khi dùng như đề cập ở phần trên.  

Nếu không muốn dùng chất tẩy rửa thì có thể dùng các cách sau:

  • Thường xuyên rửa sạch, phơi dưới ánh nắng mặt trời
  • Với những vết bẩn do trà hay cà phê có thể dùng muối để làm sạch
  • Cho vật dụng vào nồi đun nhỏ lửa để làm tan vết ố bẩn.

Xử lý khi có mùi hôi

  • Sử dụng chất tẩy rửa chuyên dụng cho bát đĩa để khử mùi hôi
  • Rửa thật sạch và phơi làm khô dưới trời nắng
  • Luộc vật dụng trong nước có cho thêm chút trà hoặc baking soda, nước cốt chanh hoặc giấm
  • Với bát, cốc có thể cho chút dấm hoặc nước cốt chanh rồi rót nước sôi để ngâm một lúc rồi rửa sạch Hoặc cho vào lò vi sóng quay trong vài phút cũng có tác dụng làm sạch, khử mùi.

Xử lý khi bị mốc

  • Sử dụng chất tẩy rửa chuyên dụng cho bát đĩa để xử lý
  • Ngoài ra có thể khử khuẩn bằng cách đun sôi tiệt trùng hay phơi nắng

Cách tiệt trùng

Rửa sạch, đun sôi (cho thêm giấm hoặc nước cốt chanh), lau khô phơi nắng

Tóm lại nếu chúng ta sử dụng và bảo quản đúng cách thì không những an toàn cho sức khỏe mà những vật dụng đó sẽ theo ta trong nhiều năm tháng, trở thành những thứ gắn bó, thân thuộc được nâng niu trân trọng như bao thứ quý giá khác…

cotogoto.jp/blog

5/5 - (11 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

One thought on “Những điều cần lưu ý khi sử dụng đồ gốm sứ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *