Hiện nay gốm chủ yếu được nung bằng lò ga hoặc lò điện vì tính kinh tế, chỉ còn rất ít lò gốm còn duy trì nung lò củi và nhất là nung lò củi với những sản phẩm cao cấp vì tỉ lệ thành phẩm rất thấp và chất lượng sản phẩm không đồng đều.
Có sự khác biệt giữa đồ gốm sứ nung củi (hay còn gọi là nung hoàn nguyên) và gốm sứ nung ga hoặc điện (hay còn gọi là nung Oxy hóa) nếu như bạn chú ý đến. Một số sản phẩm gốm sứ nung củi thường được nói đến “ấm trà gốm nung lò củi men hỏa biến”, “chén gốm nung lò củi” hay “chén sứ bạch định nung củi”, …
Nung hoàn nguyên và nung Oxy hóa là gì?
Hai hệ thống nung hoàn nguyên và nung oxy hóa là hoàn toàn khác biệt trong kỹ thuật nung gốm sứ. Không gian trong lò nung ngoài đồ gốm còn được lấp đầy không khí, trong này cũng có một lượng lớn Oxy, Oxy là thành phần không thể thiếu khi nung, lửa mạnh hay yếu là tùy thuộc vào lượng Oxy trong lò. Hiểu một cách nôm na nếu trong quá trình nung mà không khí trong lò ở dạng no Oxy thì quá trình nung này được gọi là Nung Oxy hóa, còn ngược lại thông qua kỹ thuật kiểm soát, để không khí trong lò thiếu Oxy, do đó quá trình nung lò lửa sẽ lấy cả Oxy từ trong sương thai và men của đồ gốm, dẫn tới sự biến đổi hóa học trên gốm, gọi là nung hoàn nguyên.
Men Oxy hóa còn được gọi là các “bài men”, trong đó là tỉ lệ trộn các khoáng chất có hiệu ứng màu tác động ảnh hưởng lên sắc men. Bởi không khí trong lò ở dạng no Oxy nên các chất đốt, lửa không có phản ứng hóa học với lớp men hay lớp đất trên bề mặt gốm, thông qua quá trình gia nhiệt men nung chảy và kết tinh hình thành hiệu ứng như mong muốn. Chính vì vậy mà bề mặt gốm sứ nung lò ga thường có độ sáng bóng và đồng đều. Hiện nay ở các nhà máy sản xuất với quy mô lớn hay tại các làng nghề sản xuất “hàng loạt” các sản phẩm tương tự và na ná nhau thường là nung lò ga với tỉ lệ thành phẩm cao, chất men tương đối đồng đều nếu có “bài men” được chuẩn hóa.
Đặc trưng của gốm sứ nung lò củi
Nung hoàn nguyên thì hoàn toàn khác, do không khí trong lò “đói” Oxy nên khi nung lò ép Oxy từ trong men và sương thai của các sản phẩm ra giúp trợ lửa, vì vậy lớp men trên bề mặt gốm hoặc chính trên bề mặt gốm không phủ men sẽ xảy ra quá trình biến đổi hóa học, hoàn nguyên ra những kết cấu phân tử mới, nguyên khoáng qua quá trình nung luyện ở nhiệt độ cao mới có thể hình thành cảm giác bề mặt gốm có độ sâu, ấm và biến hóa ngẫu nhiên còn với sứ thì có độ trong, sâu, dịu như ngọc. Đây là điểm rất khác biệt so với gốm sứ nung lò ga. Không khó để thấy sự khác biệt này nếu đặt hai loại cạnh nhau để so sánh nhưng không phải dễ dàng nhận ra nếu bạn chưa tiếp xúc nhiều với các loại gốm sứ khác nhau. Nó cũng giống như bạn trải nghiệm kho cá bằng nồi đất bếp củi với kho cá bằng nồi inox bếp ga.
Thế nhưng nung hoàn nguyên lại luôn tiềm ẩn sự bất ổn định và khó kiểm soát, người làm gốm luôn phải chú ý đến sự hòa hợp giữa lửa, nhiệt độ lò và không khí trong lò, nếu không khi dỡ lò chỉ còn toàn là phế phẩm. Người làm gốm bằng tri thức, bằng kinh nghiệm làm nghề, bằng cảm nhận của người yêu gốm mà biết đặt sản phẩm vào vị trí nào trong lò, vào thời điểm nào cần cho gia nhiệt, với tốc độ nào, lượng bao nhiêu. Đó là cả một kỹ thuật hay đúng hơn là cả một nghệ thuật không phải ai cũng làm được. Đặc biệt, mỗi sản phẩm gốm sứ nung củi mà bạn cầm trên tay sẽ luôn là độc bản. Ngoài nhiệt độ là yếu tố tiên quyết, tuỳ vị trí lò, loại gỗ được sử dụng khi nung mà có thể hình thành được vô số trạng thái kết tinh khác nhau, đồng thời các trạng thái hoả biến khi tiếp xúc trực tiếp với lửa giúp mỗi tác phẩm đều có vẻ đẹp vô cùng hấp dẫn và không bao giờ lặp lại.
Tác dụng của đồ gốm sứ nung củi
Sử dụng đồ nung củi có tác dụng làm mềm nước trà, thay đổi màu sắc sau 1 thời gian sử dụng. Mỗi tác phẩm đều là độc bản, không giống nhau hoàn toàn.
Bên cạnh các đường nét khỏe khoắn và công năng hoàn hảo, sự phong phú và vẻ đẹp đặc trưng của những sản phẩm nung củi này là nhờ lớp men tro. Ít ai biết rằng với nhiệt độ đủ cao cần thiết, tro có thể trở thành lớp men cho đồ gốm sứ. Tro lò trong quá trình nung sẽ bám lên bề mặt tác phẩm. Dưới nhiệt 1300-1350 độ được nung liên tục, lớp tro này sẽ tiếp tục chảy thành men và tạo ra các lớp kết tinh phong phú mà thú vị, như những viên ngọc quý giá. Hoàn hảo trong sự gồ ghề, thô giáp trong sự chỉn chu. Ở đây vừa có sự chỉn chu mà không đánh mất sự mộc mạc tự nhiên, vừa có sự cầu toàn, mà lại không cứng nhắc.
Ngay chính người sáng tạo hay những người nghệ nhân làm ra cũng không thể đoán trước được hình hài của những thành phẩm Nung củi men tro. Đặc điểm này của Gốm sứ Nung củi men tro mang lại sự thú vị cho người sưu tập, khiến người sưu tập trên khắp thế giới phải chờ đợi và tìm kiếm không ngừng để có được nhiều hơn cho mình những tác phẩm độc đáo, hiếm có.
Một số lầm tưởng về gốm sứ nung củi
- Hiện nay một số Lò Nung Điện vẫn có thêm sự kết hợp để sinh ra ngọn lửa để tạo ra trạng thái hỏa biến, không chỉ có nung nủi mới làm được hỏa biến.
- Nung củi không tạo ra độc bản. Độc bản tạo ra bởi tư duy của người Nghệ nhân. Người nghệ nhân sáng tạo ra độc bản thì nó sẽ là độc bản. Nung hàng loạt sản phẩm giống nhau bằng bất kỳ hình thức lúc nào cũng không tạo ra độc bản. Sự ngẫu nhiên của ngọn lửa và tương tác với lò nung chỉ tạo ra điểm nhấn khác biệt mà thôi.
- Không hề có tiêu chuẩn nào cam kết: Nung củi tốt hơn Nung điện. Nung củi giá trị hơn Nung điện. Nung củi đẹp hơn Nung điện. Nung củi tạo ra Độc bản còn Nung đện không làm được điều đấy.