Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (đồ sứ men lam Huế)

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã cho ra mắt cuốn sách Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn vào năm 2018. Tác phẩm đã hé lộ nhiều “thâm cung bí sử” và những phát hiện lý thú xung quanh sở thích tao nhã của người xưa. Hãy cùng Quân Trà tìm hiểu về đồ sứ ký kiểu thời nhà Nguyễn ở bài viết sau đây.

Đồ sứ ký kiểu là gì?

Tác giả Trần Đức Anh Sơn sử dụng thuật ngữ đồ sứ ký kiểu trong cuốn sách “dùng để chỉ những đồ sứ do người Việt gồm cả vua, quan và thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian nửa sau thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề”. Trước đó các tác giả tiền bối đưa ra các tên gọi về đồ sứ giai đoạn này như bleus de Hué hay đồ sứ men lam Huế. Tùy theo niên đại ký kiểu đồ sứ mà sau thuật ngữ ông có thêm các định ngữ chỉ thời gian đi kèm: Đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, Đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, Đồ sứ ký kiểu thời Tây Sơn hay Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

Các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và Khải Định có ít nhất 42 sứ bộ được phái sang Trung Hoa với nhiều mục đích khác nhau. Những sứ thần này khi tới nơi, ngoài nhiệm vụ chính yếu: cầu phong, tạ ân, cáo thụ, chúc mừng… thì còn kiêm nhiệm việc mua sắm cho triều đình, gồm các đồ sứ và những mặt hàng khác.

Điếu thuốc lào và bài thơ chữ Hán triều Tự Đức

Nguyên nhân trong số 13 đời vua Nguyễn chỉ có 5 triều vua nói trên có ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa, được tác giả Trần Đức Anh Sơn lý giải:

“Từ triều Dục Đức đến triều Duy Tân (từ năm 1883 – 1916), do nội tình rối ren vì đất nước bị Pháp xâm lược, hay khó khăn về kinh tế, tài chính nên không ký kiểu đồ sứ. Sau khi lên ngôi năm 1916, vua Khải Định tiếp tục ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa, đồng thời cũng đặt mua đồ sứ ở Pháp, chủ yếu là phục vụ cho lễ Tứ tuần đại khánh của vua vào năm 1924. Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại không ký kiểu đồ sứ tại Trung Hoa nhưng lại đặt mua đồ sứ tại Sèvres (Pháp)”.

Phong cách đồ sứ ký kiểu theo mỗi đời vua nhà Nguyễn

Đưới triều Gia Long, đất nước mới bước ra từ nội chiến kéo dài còn phải “thắt lưng buộc bụng” nên vua quan tâm đến việc tiêu dùng sản phẩm nội địa, bằng cách cho đặt nhiều bình, chóe, chậu hoa… có kích thước lớn bằng gốm men rạn vẽ lam từ Bát Tràng dùng cho nhu cầu trang trí nội thất. Tới thời Minh Mạng, nhiều cung điện, đền đài, miếu vũ được mở rộng và xây mới nên nhà vua cho ký kiểu nhiều đồ sứ lớn như thống, chậu, đôn, chóe… để trang trí, đồng thời phục vụ cho nhu cầu yến tiệc, sử dụng trong cung và bộ đường các cơ quan công quyền. Đặc biệt triều này có một chiếc tô dâng nước cúng trên bàn thờ, vẽ phong cảnh núi Hải Vân, kèm theo bốn câu đầu trong bài thơ thất ngôn bát cú, có tựa Ải lĩnh xuân vân của chúa Nguyễn Phúc Chu, trong sưu tập của Vương Hồng Sển trước đây.

Tô sứ ký kiểu hiệu đề Minh Mạng niên chế

Ông vua cho ký kiểu đồ sứ nhiều nhất của thời Nguyễn là Thiệu Trị và triều này đồ sứ đã đạt đến trình độ tuyệt hảo về hình vẽ, chất lượng men, màu, phong phú về kiểu dáng và chủng loại. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn thông tin thêm: “Bên cạnh những đồ sứ được tạo dáng theo khối tròn như trước đây, thời kỳ này xuất hiện nhiều đồ sứ có dáng kiểu gãy góc, kiểu lục giác, bát giác, copy dáng kiểu của đồ sứ châu Âu… với đề tài chủ yếu là rồng và mây. Phần lớn kích thước nhỏ, chủ yếu là đồ dùng cho sinh hoạt hằng ngày như chén đĩa, bình tích và tôn trí trên bàn thờ: quả bồng, cơi trầu, chần đèn…”. Tới triều Tự Đức, ông vua nổi tiếng với bộ đồ uống trà kiểu mắt trâu – lật đật, trang trí phong cảnh sơn thủy, có thơ văn minh họa và vị quan ký kiểu đồ sứ nhiều nhất được tác giả phát hiện nêu tên ra trong sách là Đặng Huy Trứ (1825 – 1874), trong thời gian triều đình cử sang Hương Cảng vào năm 1865 và Quảng Đông trong hai năm 1867 – 1868.

Đĩa trang trí viên long, hiệu đề 紹治年造 (Thiệu Trị niên tạo) thời triều Thiệu Trị. 

Dù triều vua Khải Định lên ngôi chỉ được 9 năm trong hoàn cảnh đất nước bị thôn tính và kiểm soát bởi thực dân Pháp nhưng theo truyền thống vẫn tiếp tục đặt mua đồ sứ từ nước láng giềng. “Nhà vua không chỉ đặt đồ sứ men trắng vẽ lam mà còn đặt đồ sứ nhiều màu, đồ sứ có họa tiết đắp nổi. Vua Khải Định còn tiếp tục ký kiểu một số chén đĩa men trắng vẽ lam dùng cho các buổi tiệc tùng trong cung và ông cũng là vị vua cuối cùng ký kiểu đồ sứ ở Trung Hoa”

Đặc trưng của đồ sứ ký kiểu

Những đồ sứ này chỉ dành riêng cho người Việt dùng, không lưu hành trên thị trường Trung Hoa đương thời. Những đồ sứ này dù được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng mang các “tiêu chí Việt” như:

  • Hình trang trí trên đồ sứ miêu tả các địa danh Việt Nam như: núi Hải Vân, núi Tam Thai, núi Thúy Vân, chợ Thuận Hóa, chùa Thiên Mụ…;
  • Thơ văn trên đồ sứ, hoặc viết bằng chữ Nôm, thứ chữ do người Việt sáng chế ra, không được sử dụng ở Trung Hoa; hoặc là thơ văn chữ Hán nhưng tác giả là người Việt như chúa Nguyễn Phúc Chu, Đào Duy Từ, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức…;
  • Các hiệu đề đế hiệu trên đồ sứ mang niên hiệu các vua Việt Nam như: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định; hoặc các hiệu đề ghi năm trên đồ sứ trùng hợp với những năm có sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa.
  • Các đồ án trang trí trên đồ sứ không theo khuôn mẫu Trung Hoa mà mang phong cách Việt Nam, từng được thể hiện trên các chất liệu khác như đồng, vải, giấy… trong các lĩnh vực: điêu khắc, kiến trúc, hội họa… từ thời Lê đến thời Nguyễn.

 Sách của tác giả Trần Đức Anh Sơn do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản

Link mua sách: https://tiki.vn/do-su-ky-kieu-thoi-nguyen-commissioned-patterned-porcelains-in-the-nguyen-era-p2076107.html?spid=21296111/

5/5 - (22 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

One thought on “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (đồ sứ men lam Huế)

  1. smorter giremal says:

    I’ve been browsing online greater than three hours as of late, but I by no means found any interesting article like yours. It is lovely value sufficient for me. In my opinion, if all website owners and bloggers made excellent content as you probably did, the internet will probably be a lot more helpful than ever before.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *