Tại sao ngày xưa ấm tử sa chỉ nung một lần, mà ngày nay thì ấm tử sa thường được nung 2 lần có khi 3 lần và thậm chí hơn nữa. Vậy thì nung 1 lần là tốt hay nhiều lần mới tốt? Để hiểu hơn vấn đề này, nay mình viết bài này để mọi người tham khảo.
Ngày xưa từ thời Dân Quốc trở về trước, ở Nghi Hưng chỉ dùng lò rồng (đốt bằng củi) để nung các sản phẩm ấm tử sa. Khả năng điều khiển nhiệt độ của lò rồng tương đối thô sơ và không chính xác, thời đó các ấm tử sa thường chỉ được nung một lần. Do đó nắp ấm tử sa hiếm khi được khít và chuẩn, trừ khi là một nghệ nhân thuần thục và rất am hiểu sự co ngót của đất khi nung để tính toán trước, thì ấm tử sa thành phẩm mới đạt được độ khít nắp nhất định.
Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, thì việc nung ấm tử sa bằng lò nung gas và lò nung điện nhiệt độ được kiểm soát chính xác. Người sưu tầm ấm lại có yêu cầu khá cao đối với những chiếc ấm tử sa thành phẩm, đảm bảo nắp ấm và miệng ấm phải khít khao. Nên ấm tử sa thường được nung 2 lần, lần nung 1 thường ở nhiệt độ thấp, sau đó nghệ nhân sẽ lấy ấm ra kiểm tra, nếu nắp ấm có dấu hiệu không khít thì sẽ được điều chỉnh, và những chi tiết khác nếu cần điều chỉnh thêm. Sau đó ấm được nung lần 2 ở nhiệt độ cao để hoàn thành. Một số ấm nếu nung lần 2 chưa đạt thì có thể được nung tiếp lần 3.
Nung càng nhiều lần thì độ kết tinh của đất càng cao, nguy cơ bị hỏng cũng tăng lên, do sự co ngót quá mức. Ngoài ra một sự lưu ý rất quan trọng là ấm tử sa sau khi nung lần 1 thì không được thấm nước, nếu thấm nước thì khi nung lần 2 ấm sẽ bị nứt vỡ.
Những chỉnh sửa sau khi nung lần 1 hầu như sẽ không để lại dấu vết và khó phát hiện được sau khi nung hoàn thành ở lần 2. Vì nung lần 1 nhiệt độ không cao, đất chưa kết tinh hoàn toàn, sau khi chỉnh sửa xong nung lần 2 thì đất kết tinh hoàn toàn và tạo ra sự liền lạc tự nhiên.
Do đó không quan trọng việc nung 1 lần hay nung nhiều lần, miễn sao cuối cùng ấm tử sa thành phẩm ra lò đẹp và hoàn hảo là tốt nhất.