Uống trà trong truyền thống văn hóa Việt Nam

Việt Nam tuy có tập quán uống trà không kém bề dày lịch sử, nhưng đến ngày nay vẫn chưa có một nhận thức đầy đủ và thống nhất về nguồn gốc, phát triển, nội dung và ý nghĩa trong đời sống xã hội của thức uống trà. Nghệ thuật pha trà của người Việt không chịu ảnh hưởng chút nào của người Trung Quốc, cũng không giống trà đạo của người Nhật Bản. Ở Việt nam gọi đó là “nghệ thuật thưởng trà”.

Ngày xưa trà chỉ được dùng trong lớp quyền quý cao sang. Tác phong mời trà một cách cung kính, nâng tách trà bằng hai tay tỏ ra rất thanh tao lịch lãm. Qua cung cách này người được mời có thể thấy được phần nào cốt cách sống và hiểu phần nào chịu ảnh hưởng gia phong của người mời trà.
Trước khi uống người ta nhẹ nhàng đưa tách trà lên thưởng thức hương trà rồi từ tốn nhấp từng
ngụm nhỏ để thưởng thức vị ngon của trà. Từ chất lượng của tách trà người uống sẽ thấy được cái
tâm, cái tình của người đã pha chung trà.

Uống trà thời phong kiến ở Việt Nam

Ở Việt Nam, sự ham mê trà đã kích thích sự sản xuất các phương tiện khác nhau cho việc pha trà và uống trà. Nhà văn Phạm Đình Hổ (1768-1839) cùng thời với Philíp Bỉnh, trong Vũ trung tùy bút viết về Việt Nam những thập niên cuối thế kỷ XVIII có kể:

“Trong nước vô sự, các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người qua chơi hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy chục khác để mua chuốc lấy chè ngon”.

Vũ trung tùy bút
Giới quý tộc thời phong kiến Việt Nam thưởng thức trà.

Có thể nói về văn hóa độc đáo của việc uống trà (nếu như không nói về sự sùng bái): “Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ trên mua cho được chè ngon – Phạm Đình Hổ nhận xét – thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tầu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú vị uống chè Tàu có phải ở chỗ đó đâu. Chè Tàu thú vị ở chỗ tinh nó sạch sẽ, cái hương của nó thơm tho”.

Rõ ràng rằng, trà tạo nên mối quan hệ, tạo nên đối thoại – đối thoại với người khác, với chiều sâu nội tâm, trò truyện với chính mình. Uống trà liên kết những người đàm đạo trong không gian và thời gian. Trà, đó là sự giao tiếp giữa các nền văn hóa.

Ở Việt Nam hiện nay, đãi khách nhất thiết phải có trà. Họ rót một chút trà vào trong các chén nhỏ bằng sành hay bằng sứ, thoạt đầu tôi cứ ngỡ như búp bê. Phạm Đình Hổ, viết về truyền thống uống trà, bắt nguồn từ Trung Quốc, thật thú vị:

“Từ đời Khang Hi (1668-1723) trở về sau, cách uống chè Tàu mới đổi ra cách pha từng chén nhỏ chứ không hãm từng ấm to nữa, vì cách uống chè ấm phải cốt cho nhỏ và mỏng để khi pha chè mới nổi hương vị”.

Phạm Đình Hổ

Tuy nhiên, đó là cách pha trà trong ấm nhỏ hoặc ấm to, được ủ nóng trong cái dành bằng bông, lót bên trong một cái giỏ đặc biệt. Ấm trà bằng gốm được tạo nên bởi bàn tay của các nghệ nhân khéo léo thành thạo và nổi tiếng thường có giá cao.

Bình trà đời vua Thiệu Trị (1841-1847)

Bộ ấm chén đẹp, lời nói thong thả, lịch thiệp, động tác tao nhã, uống chầm chậm từng ngụm nhỏ, chủ và khách như đang thực hiện một nghi lễ nào đó, tâm hồn thư thái. Người uống trà, dường như đang xa lánh thế giới trần tục, giao cảm với thế giới vĩnh hằng, lãng quên những mối lo âu và xáo trộn, hướng tới những giá trị tuyệt đối.

“Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè Tàu ra thưởng thức thì có thể tính được mộng trần, rửa được lòng tục, ấy người xưa ưa chuộng chè Tàu là vì vậy”.

Phạm Đình Hổ

Trà làm khoẻ người, giải cơn khát, nhưng không phải chỉ có thể – nó tạo nên không khí giao tiếp, trong cách uống trà Việt Nam, có chất thẩm mỹ riêng và yếu tố nghi lễ. Vì vậy, sắp xếp vị trí uống trà, điều kiện uống trà là yêu cầu rất đặc biệt. Phạm Đình Hổ viết tiếp: “Còn như nếm chè ở trong đám ruồi nhặng, bày ấm chè ở cửa chợ bụi lầm trong lúc ồn ào đinh óc, vơ vẩn rộn lòng, thì dẫu ấm có đẹp đẽ, chè ngon ngát lừng, ta chẳng biết uống chè như thế thì có thú vị không?”.

Như vậy, truyền thống uống trà Việt Nam còn phải tính đến sự hòa hợp với tâm trạng, trạng thái tinh thần ổn định. Ngoài việc uống trà, còn là sự giao tiếp, sự hòa hợp với thiên nhiên. Trong quán ăn giữa chợ, bay lên mùi thơm dễ chịu từ những bát phở gà nóng hổi với sợi phở dài trong suốt được rắc nhiều hạt tiêu với những cọng rau thơm và những cọng hành dài. Người ta gọi đó là quán ăn “bụi”. Nhưng để uống trà, lại cần phải tách biệt, tốt hơn hết là giữa thiên nhiên, tránh xa những mối bận bịu, ồn ào. Phạm Đình Hổ kể rằng: “Khi dạy học rảnh, ta thường cùng với người đàn anh trong làng là Tô nho sinh dạo chơi gần chùa Vân, pha chè uống nước, hoặc trèo lên cái gò ba tầng ở phía Tây xóm ấy, rồi múc nước suối để pha chè uống chơi. Trông thấy những cảnh mây nổi hợp tan, chim đồng kêu lượn, cùng lá cỏ cây rơi rụng, hành khách lại qua, ta thường gửi tâm tình vào câu ngâm vịnh”.

Chén trà thôn quê, chén trà làng xóm

Trà trong quan hệ bạn bè thường đi đôi với rượu. Ở Việt Nam có lối nói: “rượu chè” (rượu sớm trà trưa). Tôi rất ngạc nhiên, khi ở Lixbon, bà chủ căn hộ đứng tuổi người Bồ Đào Nha quan sát tôi uống trà, nói với vẻ pha chút trách móc: “Cha vinho” (trà với rượu). Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy bầu không khí Việt Nam vút tới: Sự trùng hợp bề ngoài ở đây không hoàn toàn, nhưng cũng gần như hoàn toàn.

Khi nói đến trà, Philíp Bỉnh kể chuyện về cuộc sống trong tu viện và tuyên bố: “Song bây giờ đã biết sự ăn uống thói cách phương Tây”. Dường như, những người sống trong tu viện là người nghiện trà.

Philíp Bỉnh thấy gai mắt và kinh ngạc khi thấy người ta pha chè với cà phê, với sữa… còn cái thói uống trà với đường khiến ông khó chịu nhất, như thể điều ấy phá hủy toàn bộ văn hóa uống trà truyền thống của Việt Nam, ý nghĩa độc đáo và không khí của nó.

Ở Việt Nam, khi dâng chén trà cho khách, bạn thể hiện sự kính trọng với họ. Nghĩa là khi uống trà, là đặt những tiền đề biến nó thành cái gì đó có ý nghĩa lớn lao hơn, chứ không đơn giản là sự giải khát thông thường. Chính vì thể, ở miền Nam Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, dưới chế độ Sài Gòn trong làn sóng hình thành, phát triển cải cách tôn giáo khác nhau (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên), xuất hiện học thuyết Đạo Trà – tôn giáo đặt niềm tin với trà – nhưng sau đó chẳng bao lâu, trở thành chuyện buồn cười. Quan hệ đặc sắc của trà có gốc rễ trong đời sống sinh hoạt và văn hóa của bốn nước Viễn Đông. Dĩ nhiên, truyền thống Việt Nam không phải được tạo ra bởi các nghi lễ phức tạp, truyền thống ấy có nét đặc trưng khác hẳn với nghi lễ uống trà Nhật Bản (trà uống trong nghi lễ này, thực ra không được ngon lắm). Nhưng ở Việt Nam ý nghĩa của trà trong văn hóa thực to lớn.

Nhưng tôi muốn hướng sự chú ý tới vấn đề khác. Philíp Bỉnh không hài lòng với người sử dụng trà. Ở đây, trong sách của ông cất lên sự bực bội rất rõ: “Chè buôn về phương Tây là chè tốt song tốt cũng như xấu vì bỏ đường vào thì thấy mùi ngọt mạnh hơn mùi chè. Cho nên một hai khi tôi đi thăm viếng nhà ai, mà người ta mời uống chè, khi tôi chẳng muốn nói thì lặng mà uống cũng như người ta, song có khi muốn nói, thì bảo rằng chén tôi thì đừng bỏ đường, người ta lấy làm lạ, thì tôi mới nói rằng: “Nước An Nam chúng tôi cũng như nước Đại Minh khi uống chè, không bỏ đường vào để biết mùi chè”.

Các vị chủ nhà chưa quen với cách uống trà theo văn hóa phương Đông, ngạc nhiên liếc nhìn nhau, nhưng dĩ nhiên cũng đáp lại nguyện vọng của khách Việt Nam, mà người đó cũng hết lòng cố gắng tìm hiểu họ: “Phương Tây khi sang buôn phương Đông, mua chè về mà uóng, thấy vị đắng liền bỏ đường vào cho ngọt, liền ra thói ấy đến sau lại thêm sữa bò và cà phê”. Ông cũng còn cắt nghĩa rằng, khi ở Việt Nam chưa từng thấy kỹ thuật khuấy tan đường trong nước trà bằng thìa bạc nhỏ.

Dĩ nhiên, bài học này các vị chủ nhà thường nhanh chóng lĩnh hội: “Cho nên từ ấy về sau mà khi tôi đến thăm thì nhà ấy chẳng bỏ đường vào chén trà tôi uống, vì đã biết ý”.

Sự quen biết và liên hệ Philíp Bỉnh với những người Bồ Đào Nha trở thành thường xuyên, bền chặt, trong các gia đình, người ta biết và chú ý đến tập quan và khẩu vị của khách Việt Nam, người đã thể hiện ở đây lòng trung thành với truyền thống Việt Nam. Nhà bác học, nhà thơ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) người cùng thời với ông, một trong những phụ tá gần gũi của Nguyễn Huệ, lãnh tụ phong trào Tây Sơn cũng đã viết về điều này. Trong quyển sách của mình. Philíp Bỉnh cũng nhắc đến một trong những sự kiện về Ngô Thì Nhậm. Và không phải ngẫu nhiên, nhân vật này trở thành con người rất nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Việt Nam thời đó.

Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm Cúc hoa thi trận của mình đã đặt trà vào hàng những khoái cảm, lạc thú thanh cao – ngang với thú đọc thơ, thưởng thức âm nhạc tuyệt diệu và hoa.

“Ta thường nghĩ, người bình thường có bốn điều không thể biết đó là: chơi hoa Châu Lan không biết thơm, uống Chè Long Tĩnh không biết ngon, nghe khúc điệu cung đình không biết vui, đọc thơ cầm sắt không biết hay. Bởi vì bốn cái ấy thanh cao quá, không thích hợp với người thường vậy.

tác phẩm Cúc hoa thi trận

Tuy vậy, đó là nói chưa biết mà thôi. Còn khi đã biết rồi, thì ở dưới trời này, những cái gọi là hoa, là chè, là khúc, là thơ, có cái gì lại cao diệu hơn được những cái ấy”.

Khác hẳn với Ngô Thì Nhậm, Philíp Bỉnh khao khát hiểu được người châu Âu (cụ thể là người Bồ Đào Nha) và sự khác nhau giữa truyền thống của họ với Việt Nam. Điều đó, thoạt tiên là thực tại thường ngày (uống trà với đường hoặc không đường) bắt buộc phải suy nghĩ. Philíp Bỉnh nhìn nhận văn hóa truyền thống Việt Nam một cách chọn lọc, kỹ càng, khao khát giữ gìn những giá trị của nó mà thời đó ngay những người châu Âu có thiện ý cũng không hiểu được giá trị ấy trong sức mạnh tính cách và sự đặc sắc truyền thống văn hóa của mình.

Uống trà thời nay

Ngày nay, chính là sự giao thoa của văn hóa uống trà truyền thống và hiện đại. Bởi lẽ, người hiện đại biết sử dụng trà phù hợp từng hoàn cảnh, sự kiện và tính chất công việc.

Khác với người xưa trà chỉ sử dụng như một đồ uống đắt đỏ thì ngày nay trà trở nên đại trà hơn với nhiều phương pháp chế biến: trà xanh truyền thống, trà tươi, trà túi lọc phù hợp cho dân văn phòng, trà ủ men, trà cổ thụ shan tuyết đặc sản hay các loại trà sữa / trà trái cây mới du nhập vào Việt Nam được giới trẻ đón nhận nhiệt tình…

Trà sữa / trà hoa quả được đông đảo giới trẻ ngày nay đón nhận

Trà dần xuất hiện ở khắp các ngõ ngách của người Việt, từ vỉa hè đường phố đến nơi phòng trà truyền thống hay hội nghị quan trọng, trà là thói quen thường ngày chăm sóc sức khỏe của con người. Trà cũng trở nên bớt “cao sang” mà giản dị, gần gũi.

Cách pha trà và phong cách uống trà cũng dần “ dễ dàng” hơn để phù hợp với mọi lứa tuổi và đối tượng. Ngoài việc pha trà truyền thống, người Việt hiện đại đã sản xuất trà túi lọc cho đối tượng người trẻ trong thời đại công nghiệp, thời gian là vàng là bạc mà vẫn thưởng thức được cốc trà trọn hương thơm và linh hồn của trà.

Trà trong các dịp lễ Tết

Tết luôn là dịp để chúng ta cùng nhau sum họp, đoàn tụ với người thân, họ hàng trong gia đình và bạn bè để chúc nhau những điều may mắn nhất trong năm mới. Trong không khí hân hoan naỳ thì những tách trà như sợi dây vô hình kết nối chúng ta lại gần nhau hơn. 

Còn gì bằng khi thưởng thức một tách trà ấm nóng rồi cùng nhau hàn huyên đôi ba câu chuyện xảy ra trong năm vừa qua với người thân, bạn bè trong tiết trời hơi se lạnh của năm mới. Văn hoá trà việt là truyền thống tốt đẹp cần đẹp giữ gìn và phát huy trong những ngày lễ tết quan trọng của đất nước ta.

Trà thường được các gia đình uống vào ngày tết, ăn kèm với các loại mứt tết truyền thống

Trà trong dịp cưới, hỏi

Phong tục cưới hỏi của văn hóa người Việt Nam không thể nào thiếu được “miếng trầu nên duyên nhà người” và một vật không thể thiếu được ở dịp lễ cưới hỏi đó chính là trà. Đây là hai thứ rất quan trọng nhất để thể hiện lễ nghĩa đối với 2 bên gia đình, tùy thuộc vào điều kiện gia đình nhà trai mà có thể số lượng nhiều hay ít nhưng tối thiểu phải có 2 cặp bởi nó biểu trưng cho tình vợ chồng luôn sắc son bên nhau. 

Có thể thấy, văn hóa trà Việt Nam hiện hữu trong tất cả các hoạt động của người dân ta. Dù đó là ngày bình thường hay ngày trọng đại của chúng ta.

Trà không thể thiếu trong đám cưới và đám hỏi của người Việt Nam

Trà mọc từ đất, được hưởng trọn vẹn sự giao hòa của thiên nhiên vào thân hình mỏng manh của mình. Như một định mệnh, văn hóa uống trà cũng là sự kết tinh giữa con người và đạo lý ngàn đời của người Việt. Tách trà nối kết người với người, giúp người trở về cái thiện và sự thanh tao, giúp gia đình và đất nước hòa vào làm một, giúp truyền thống của người Việt cứ nhẹ nhàng chảy mãi trong đời sống bộn bề này. Uống trà xưa và nay dù là ở thời đại nào, người Việt vẫn luôn giữ gìn những nét đẹp vốn có của dân tộc.

5/5 - (8 bình chọn)

Tác giả

  • Mai Chi

    Tôi là Mai Chi đến từ Quân Trà, với niềm đam mê bất tận về Trà, Gốm sứ thủ công và Ấm Tử Sa. Chúng tôi giới thiệu nhiều tác phẩm tử sa, gốm sứ cao cấp của các nghệ nhân nổi tiếng Trung Quốc được nhập khẩu phân phối độc quyền tại Việt nam. Chúng tôi cũng giới thiệu các loại danh trà nổi tiếng của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam

Chia sẻ ngay

2 thoughts on “Uống trà trong truyền thống văn hóa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *